BẠCH HẢI ĐƯỜNG: TƯỚNG CƯỚP MIỀN NAM DUY NHẤT ĐƯỢC VIẾT THÀNH SÁCH, DỰNG PHIM, KỊCH
Bạch Hải Đường: Tên cướp ‘quỷ khóc thần sầu’
Sài Gòn trước năm 1975, nhắc đến Bạch Hải Đường không ai là không biết. Giai thoại kể lại rằng Bạch Hải Đường là tên cướp ‘quỷ khóc thần sầu’ có thể đột nhập vào bất cứ nơi đâu và trốn thoát khỏi bất kì nhà tù nào. Đến nỗi cuộc đời y được viết thành sách, lên phim…
Tên cướp ‘quỷ khóc thần sầu’
Một chiều hè oi ả tháng 5 tại vùng biên giới Châu Đốc, tỉnh An Giang, Bạch Hải Đường tổ chức cướp 100 cây vàng của một nhóm người ngoại quốc. Tưởng chừng như phi vụ trót lọt thì phút cuối, tên cướp bị đoàn người đuổi bắn quyết liệt, y trúng 3 phát đạn vào bắp chân và bị bắt.
Vụ trộm 100 cây vàng chỉ là một trong vô số những phi vụ mà Bạch Hải Đường thực hiện trót lọt. Trong đó đa phần là các phi vụ “quỷ khóc thần sầu” với độ liều lĩnh mà không bất kỳ một tên cướp nào khác ở Sài Gòn trước năm 1975 giám thực hiện.
Bạch Hải Đường tên thật là Nguyễn Ngọc Truyện, sinh năm 1950, là con lớn trong gia đình nghèo có 5 anh em ở Long Xuyên, tỉnh An Giang. Nguồn gốc cái tên và con đường trộm cướp chuyên nghiệp của Bạch Hải Đường cũng lắm giai thoại thú vị.
Sài gòn trước năm 1975
Do gia đình nghèo và là con lớn trong gia đình nên từ năm 15 tuổi, Truyện đã phải thay cha làm lơ xe cho các tuyến xe từ Long Xuyên đi Sài Gòn. Công việc này giúp Truyện được tiếp xúc với nhiều thành phần giang hồ, đàn anh đàn chị, nên sớm học được nhiều “ngón nghề” độc lạ. Đến năm 18 tuổi, Truyện cưới vợ và có 2 con.
Trong 1 lần con ốm nặng, không có tiền chạy chữa đưa con vào bệnh viện, Truyện vì quá bí bách nên đã ăn trộm 1 chiếc xe máy rồi bán lấy tiền mua thuốc cho con. Cùng từ đây, con đường trộm cướp chuyên nghiệp bắt đầu với Truyện - Bạch Hải Đường.
Khác với nhiều tên trộm cướp khác ở Long Xuyên, Sài Gòn trước năm 1975, Bạch Hải Đường khi trộm cướp chỉ nhắm vào những gia đình giàu có, quyền thế, như cố vấn Mỹ, doanh nhân Mỹ, và các sĩ quan cảnh sát, quân đội.
Chỉ trong 3 tháng đầu năm 1971, Bạch Hải Đường đã đột nhập vào các gia đình người Mỹ 8 lần, lấy 5 tivi, 5 máy hát, 4 thùng rượu, 2 thùng thuốc lá, và nhiều tiền vàng… Tháng 5 năm 1971, tần suất trộm cắp của Bạch Hải Đường càng dày đặc với 20 chiếc xe Honda trộm được... Trước tình trạng này, chính quyền phải ban bố tình trạng khẩn cấp, nhưng vẫn không thể nào bắt được thủ phạm.
Phi vụ trộm cướp ‘kinh điển” nhất của Bạch Hải Đường phải kể đến là vụ đột nhập vào nhà 1 trung tá không quân theo lời thách thức từ nhóm giang hồ ở Cần Thơ: Nếu ai vào được nhà của phi công trên, vào được máy bay, mang được cả nón phi công ra thì sẽ được tất cả giới giang hồ ở Tây Đô tôn làm "đại ca", chính thức thống lĩnh toàn bộ thế giới giang hồ ở miền Tây.
Tại nhà trung tá không quân ở Cần Thơ, Bạch Hải Đường lấy hai cái rương lớn cho tất cả những thứ cần lấy vào. Chưa vội rời khỏi hiện trường, y còn lân la xuống nhà bếp, mở tủ lạnh... Hắn lôi rượu thịt đem ra bàn, ngồi chén say sưa xong mới chịu rời đi. Kế đó, “Tôi leo lên lầu nhà này thì thấy một chiếc trực thăng đậu trên đó. Tôi leo vào trực thăng kiếm đồ nhưng chỉ lấy được một nón phi công, một đôi bao tay, một bao đồ và một xấp giấy tờ. Tôi mang giấy tờ ra xem thì mới biết đó là nhà của trung tá không quân", Bạch Hải Đường kể.
‘Bạch Hải Đường sinh ra không phải để ở tù’
Khi nói về khả năng “quỷ khóc thần sầu” của Bạch Hải Đường thì phải nói đến năng lực thách thức mọi loại mọi nhà tù của y. Trộm cướp nhiều, bị bắt cũng nhiều, thế nhưng chưa từng có 1 nhà tù nào mà Bạch Hải Đường không thể trốn thoát, dù nhà tù đó kiên cố đến thế nào.
Trong 1 lần đột nhập vào nhà đại úy Triệu – sếp phó lực lượng cảnh sát Long Xuyên và lấy đi nhiều tiền vàng, Bạch Hải Đường bị cảnh sát Long Xuyên truy lùng gắt gao. Ngay sau đó, y bị bắt do một người vợ cũ bí mật “đâm lén” y sau lưng và báo cho cảnh sát. Bạch Hải Đường bị bắt và bị đại úy Triệu đánh đập dã man, xong cho 2 viên quân cảnh lực lưỡng áp giải về trại giam. Bị còng tay, nhưng khi xe đang chạy, Bạch Hải Đường đánh gục hai quân cảnh và người lái xe rồi lao xuống đường tẩu thoát.
Lại 1 lần khác kịch tính cũng không kém, sau khi bị bắt vì cướp 100 cây vàng ở vùng biên giới Châu Đốc, đến tháng 5/1980, Bạch Hải Đường tự tháo còng, đục thủng tường trại giam trốn thoát và để lại dòng chữ: “Nơi đây không phải chốn dừng bước giang hồ của Bạch Hải Đường”.
Không có nhà tù nào có thể bắt giữ được Bạch Hải Đường, thế nhưng chính y lại chết sớm do chính “nghiệp” trộm cướp gây nên. Do nhiều lần bị thương, bị bắn khi trộm cướp và không chịu chữa trị nên bệnh tật của Bạch Hải Đường ngày càng nặng và chết ở tuổi 33.
Tính đến nay, Bạch Hải Đường là tên giang hồ duy nhất ở miền Nam mà cuộc đời được viết thành sách, dựng thành phim và tái hiện trên sân khấu cải lương…
Nhận xét
Đăng nhận xét