PHẢI CHĂNG TÍNH TÒ MÒ, HIẾU KỲ CỦA NGƯỜI VIỆT LÀ MỘT TẬT XẤU?
Người Việt nhiều chuyện: ‘Trong nhà chưa tỏ, ngoài ngõ đã hay’
Giành giật nhau 'vị trí đẹp' để xem cơ quan chức năng... trục vớt bom; Trèo lên cả cột điện để chứng kiến Công an nổ súng bắt tội phạm ma túy; Hay tụ tập bàn tán về một vụ giao thông khiến chính mình bị tông chết... Đó là những ví dụ điển hình về thói hiếu kỳ, tò mò của một bộ phận người Việt.
Chết oan vì... tính hiếu kỳ
Một vụ tai nạn hi hữu và thương tâm đã xảy ra tại khu vực cầu Đoan Hùng, thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ, khiến 2 người chết và 7 người bị thương nặng. Người tử vong được xác định đều là người dân địa phương là anh Đỗ Mạnh Đức và chị Lê Thị Tám, tử vong do bị thương nặng.
Theo nhân chứng kể lại từ hiện trường, vụ tai nạn thương tâm xảy ra do tài xế xe khách đánh lái để tránh 2 thanh niên rẽ bất ngờ trước đầu xe, rồi tông thẳng vào đám đông đang tụ tập để xem một vụ va chạm giao thông xảy ra trước đó.
Vậy là chỉ vì tình hiếu kỳ, tò mò, đám đông tụ tập bàn tán trên đường đã biến chính mình thành nạn nhân của một vụ tai nạn khác.
Điều khiến mọi người vừa xót xa, thương cảm cho người xấu số, vừa bức xúc lại không phải chuyện chiếc xe máy vượt đầu xe khách, hay lái xe buộc phải bẻ lái, mà là việc chỉ vì tính hiếu kỳ tụ tập đông người xem một vụ tai nạn giao thông, mà dẫn một vụ tai nạn khác, khiến nhiều người chết oan uổng.
Vụ tai nạn đã khiến cộng đồng dậy sóng, khi nhiều độc giả vừa thương, vừa trách vì những cái chết không đáng. Một độc giả bình luận bình luận: “Tôi không hiểu sao người Việt mình cứ thích đông xúm đỏ vào xem tai nạn. Thứ nhất về tâm linh, không nên tập trung ở nơi có người mới chết, khí rất độc. Thứ hai là người ta xúm vào đó chỉ để bình luận, xem cho thỏa mãn trí tò mò chứ nào muốn giúp đỡ gì?”
Nhiều độc giả khác cũng cùng quan điểm khi cho rằng : "Có những cái chết rất lãng xẹt. Mình đi đường mà gặp đám đông như thế này toàn cố chạy qua chỗ đó, tự nhiên tụ tập làm gì những chỗ như thế không biết nữa. Sự cố đáng tiếc này cũng do lỗi của người bị nạn vì tính hiếu kỳ, không riêng nhưng người này mà phần lớn người Việt chúng ta cũng vậy".
Người dân chen nhau xem Công an nổ súng bắt tội phạm ma túy
Hiếu kỳ, tò mò thành cố tật, hại mình hại cả người
Thực tế có rất nhiều tai nạn chết người như vụ tai nạn giao thông ở Phú Thọ xảy ra trong đời sống, chỉ vì tính hiếu kỳ, thích "xía" vào chuyện "thiên hạ" của một bộ phận người Việt; Để rồi dẫn đến kết cục là hại mình, và hại cả người khác.
Hóng hớt xem tai nạn, xem đánh nhau là một trong vô số ví dụ về thói quen thích xen vào chuyện không phải của mình của một bộ phận người Việt. Nghe thì tưởng thói quen này ngược lại với thói vô trách nhiệm, bởi đã xen vào việc người khác nghĩa là cũng có ít nhiều sự quan tâm đến việc đó. Thế nhưng, rất nhiều người thích xen vào chuyện người khác lại chỉ vì tò mò, không phải do “thấy chuyện bất bình chẳng tha”.
Mới đây, người dân cả nước cũng được một phen hốt hoảng với người dân Hà Nội. Đó là cảnh tượng hàng trăm người dân chen chúc nhau, giành giật nhau "vị trí đẹp" để xem các chiến sỹ quân đội... trục vớt 1 quả bom trên sông Hồng. Nhiều độc giả thắc mắc: Lỡ bom nổ thì sao? Những người chen nhau xem không sợ chết? Hay họ bất chấp tai nạn, xem thường tính mạnh bản thân chỉ để thỏa mãn tính tò mò? Trong khi đó, người nước ngoài khi chứng kiến cảnh người dân Việt xem trục vớt bom đã thực sự hoảng hốt. Họ không thể hiểu nổi những người xem đó đang nghĩ gì...
Người ta tụ tập, can thiệp vào chuyện của người khác không phải để giúp đỡ hay nỗ lực để sự việc bớt nghiêm trọng hơn, đỡ đần cho người trong cuộc, mà họ xem chỉ để thỏa mãn tính tò mò, hiếu kỳ của bản thân. Họ xem để "nắm thông tin" để "bà tám" với người khác. Đôi khi câu chuyện mà họ kể lại lại đi quá xa sự thật so với câu chuyện ban đầu, lại gây thêm rắc rối cho người khác.Ít nhiều trong chúng ta, đều đã 1 lần dính phải những tin đồn trên trời rơi xuống. Lý do bởi đâu? Chính là thói thích xen vào chuyện người khác, thích ngồi lê đôi mách và hóng hớt rồi kể lại với sự thật 20%, 80% còn lại là “mắm muối” để xào nấu của không ít người sống quanh ta.
Chen nhau xem... gỡ bom dưới chân cầu Long Biên
Chụp ảnh checkin phản cảm trong đám tang nghệ sỹ
Và khi hàng xóm "hóng hớt" chuyện nhà bạn
“ Chỉ đâu mà buộc ngang trời
Tay đâu mà bịt miệng người thế gian ”. (Ca dao)
“Trong nhà chưa tỏ, ngoài ngõ đã hay” là một tật xất cố hữu của người Việt. Lạ một điều là thói xấu ấy ngày càng trở nên khó bỏ, bởi đa phần những người hay xen vào chuyện người khác, đều cho rằng: “Nó có hại gì đâu? Không phải việc của mình, nói vài câu hay thêm nếm vài phần có chết ai!".
Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh. Ông bà ta từ xưa đã tổng kết rất hay như thế, mục đích là để cho mỗi người tự khiêm nhường, thấu hiểu lẫn nhau, để đỡ đần nhau, thông cảm cho nhau. Thế nhưng, thực tế đời sống lại cho thấy một bộ phận người Việt vẫn bị cái tật xấu hiếu kỳ, tò mò mà hại mình, hại người. Hình như chúng ta hẹp hòi, kém thông cảm nên thay vì chia xẻ, xót thương chúng ta lại vô tình nghiệt ngã đem ra phơi bày làm người ta thêm đau buồn, tủi hổ.
Cố tật "trong nhà chưa tỏ, ngoài ngõ đã hay" của một bộ phận người Việt đang gây ra những hệ lụy tiêu cực trong đời sống hiện nay, việc sớm nhìn nhận và loại bỏ thói xấu này sẽ giúp mỗi người sống tốt hơn, đời sống văn minh hơn.
Nhận xét
Đăng nhận xét