CHUCK FEENEY, TỈ PHÚ LÀM TỪ THIỆN CHO ĐẾN KHI RỖNG TÚI
Sống “keo kiệt” không nhà không xe, người đàn ông quyên góp 200 nghìn tỷ đồng giúp Việt Nam và nhiều nước trên thế giới
Trong một bài phỏng vấn năm 2012, Bill Gates từng nói: “Mọi người hãy lấy Chuck Feeney làm gương; ông ấy đã thay đổi cách tôi và Warren nghĩ về làm từ thiện”. Chuck Feeney - người đàn ông đã dành gần 8 tỷ USD cả đời chỉ để đi làm từ thiện.
Những quỹ từ thiện tư nhân trên toàn thế giới vốn thường gắn với cái tên Bill Gates hay Warren Buffet - hai tỷ phú hào hiệp đã tặng đi phần lớn tài sản của mình. Tuy nhiên, trong "cuộc đua phá sản" đó, cả Bill Gates và Warren Buffet vẫn phải kính nể một người đàn ông 88 tuổi. Người ta gọi ông là "James Bond của thế giới từ thiện" - một ông chủ đã từng đi đến nhiều nơi trên thế giới, dùng tài sản của mình để hỗ trợ các hoạt động giáo dục, y tế, nhân quyền....
Ông là Chuck Feeney - người đã quyên góp gần 8 tỷ USD từ thiện trong suốt cuộc đời của mình.
Tỷ phú Chuck Feeney - "James Bond của thế giới từ thiện"
Rất ít người sẵn sàng hào phóng như Chuck Fenney, và chưa từng có ai đem hết tiền đi làm từ thiện khi còn sống. Cả cuộc đời ông chỉ trăn trở, làm sao để có thể quyên góp hết tiền cho các hoạt động từ thiện.
"Cuộc đua phá sản"
Gần 7 năm trước, trong căn nhà hộ nhỏ ở rìa đông Manhattan, New York, Chuck Feeney ngồi trên chiếc ghế bành, hướng về phía bức tường treo đầy tranh của cháu ngoại và không ngừng trăn trở: Làm sao để đến cuối năm 2016, ông phải trao đi được hết số tài sản mình đang có.
Forbes gọi đó là một "cuộc đua phá sản" của các tỷ phú, với một mục đích tốt đẹp. Có lẽ, Chuck mong có thể về đích sớm nhất trong cuộc đua này. Khi đó, ông đã 81 tuổi. Atlantic Philanthropies - một trong những quỹ từ thiện lớn nhất thế giới, được ông khởi xướng và gây quỹ, vẫn còn tới 1,5 tỷ USD. Tất nhiên, Feeney không phải là người sẵn sàng ném tiền ra cửa sổ một cách vô ích.
Chuck Feeney từng trăn trở: "Làm sao để trao đi được hết số tài sản mình đang có?"
Cuối cùng, vào năm 2017, khoản hỗ trợ gây quỹ cuối cùng cũng đã có tên người nhận: 7 triệu USD cho đại học Cornell nhằm hỗ trợ sinh viên tham gia các công việc dịch vụ cộng đồng. Ông đã gần như "rỗng túi" để đạt được ý nghĩa của cuộc đời mình - "trao hết đi khi còn đang sống". Người ta ước tính rằng, Feeney đã trao đi khoảng 8 tỷ USD (tương đương gần 200 nghìn tỷ) trong suốt cuộc đời mình vì mục đích phát triển của giáo dục, y tế công, nhân quyền hay nghiên cứu khoa học.
"Bạn luôn cảm thấy lo lắng vì sở hữu quá nhiều tiền, còn chúng tôi thì biết cách làm sao để đồng tiền ấy trở nên có ý nghĩa", ông Feeney từng trả lời phỏng vấn trên tờ New York Times.
Nếu nhìn về số tài sản mà Feeney đã cho đi, người ta sẽ không hẳn chỉ ngạc nhiên mà vô cùng ngưỡng mộ: Feeney đã từng cống hiến 588 triệu USD cho đại học Cornell, 125 triệu USD cho đại học California, 60 triệu USD cho đại học Stanford. Vị tỷ phú này cũng từng chi 1 tỷ đô la cải tạo và xây mới 7 trường đại học ở Ireland và hai trường đại học ở Bắc Ireland. Ông từng thành lập quỹ từ thiện để phẫu thuật sứt môi hở hàm ếch cho trẻ em ở các nước đang phát triển…
"Cả đời tôi luôn tâm niệm rằng nếu bạn giàu có, hãy dùng số tiền đó để giúp đỡ mọi người".
Người đàn ông "keo kiệt" không nhà không xe
Số tiền còn lại của ông vào khoảng hơn 2 triệu USD, không hẳn "phá sản" nhưng chỉ là một hạt bụi trong số gia sản khổng lồ mà ông từng có. Feeney và vợ, bà Helga hiện đang sống trong một căn nhà thuê tại San Francisco.
"Bạn chỉ có thể mặc một chiếc quần tại một thời điểm thôi mà", ông Feeney từng hài hước nói.
Feeney và vợ (hàng ghế trước)
Người ta thường miêu tả ông Feeney như này: "Cho tới khi 75 tuổi, ông chỉ đi đây đó bằng xe buýt, mang theo mấy cuốn sách trong một chiếc túi nhỏ. Giàu là thế mà ở New York, ông chẳng bao giờ ăn nhà hàng sang trọng, lúc nào cũng là một cửa hàng nhỏ trên phố 57 với những chiếc burgers. Ông chưa từng mặc qua quần áo hàng hiệu, kính mắt rất cũ kỹ, đồng hồ đeo tay cũng không hợp thời với giá chưa tới 15 USD. Nếu bạn ngủ ở nhà Feeney, ông sẽ nhắc bạn tắt đèn khi đi ngủ nhiều lần, còn đi uống rượu thì ông Feeney sẽ kiểm tra hóa đơn thật kỹ".
Lược bỏ đoạn đầu tiên và bắt đầu câu chuyện từ đây, ắt hẳn người ta nghĩ rằng, đây là câu chuyện của một cụ ông giàu có mà keo kiệt nào đó. Nhưng…
Tên ông chưa bao giờ xuất hiện với những chữ cái mạ vàng, đá cẩm thạch hay bất cứ hình thức nào trên hơn 1,000 tòa nhà khắp 5 châu lục mà ông đã cống hiến 2,7 tỷ USD để xây dựng. Không có chiếc cúp hay bằng khen nào dành Feeney cả. Trong nhiều năm, quỹ từ thiện của ông chỉ có một yêu cầu rằng danh tính của người đóng góp không được công khai. Ông không cần đánh bóng tên tuổi, không cần người ta biết tới, và cứ để nhiều người nhìn vào rồi nghĩ ông là một người "đàn ông keo kiệt".
Keo kiệt với bản thân, hào phóng với cuộc đời; nhiều người có thể nghĩ nó như cách hành xác của ông nhưng hơn ai hết, Feeney biết thế nào là đủ.
"Có những nhà hàng bạn phải trả 100 USD cho một bữa ăn. Với tôi, bữa ăn 25 USD cũng hạnh phúc như vậy cả", Feeney nói về lối sống giản dị của mình.
Tỷ phú Fleeney - người sáng lập Quỹ từ thiện Atlantic và ông Christopher G Oechsli - chủ tịch kiêm CEO của Quỹ từ thiện Atlantic.
Là một tỷ phú, ông hiểu được giá trị và công sức để kiếm được đồng tiền hơn ai hết. 8 tỷ USD không phải thứ trên trời rơi xuống như là một khoản tiền xứng đáng để ông đem đến cho xã hội. Feeney sở hữu hàng tỷ USD nhờ tập đoàn miễn thuế toàn cầu Duty Free Shoppers (DFS) do ông đồng sáng lập vào những năm 1960. Tuy nhiên, chỉ 24 năm sau đó, ông đã có một bước ngoặt lớn khác trong cuộc đời mình. Ngày 23/11/1984, Feeney cùng người vợ đầu của ông - Danielle và luật sư Harvey Dale bay đến Bahamas – một đất nước có thể tránh được những quy định về mặt pháp lý về việc thành lập tổ chức từ thiện. Sau nhiều giờ họp kín, Feeney ký một loạt tài liệu và sau đó cả 3 người đã rời văn phòng đến sân bay. Ông đã quyên góp toàn bộ tài sản, bao gồm tiền mặt, doanh nghiệp và cả cổ phiếu của mình cho tổ chức do chính ông sáng lập, nay được biết đến là Atlantic Philanthropies (Quỹ từ thiện Đại Tây Dương).
Ai sinh ra cũng tay trắng, cuối cùng lại trắng tay
Đó là một trong những điều Feeney luôn nghĩ về cuộc đời và vì vậy, ông muốn có thể cống hiến nhiều nhất có thể trước khi dừng bước cuộc đời. Atlantic đã giúp đỡ cải thiện hệ thống y tế công tại Việt Nam, cung cấp cơ sở cho việc điều trị AIDS tại khu vực nam châu Phi. Một trong những dự án lớn nhất của Atlantic là thay đổi hệ thống chăm sóc y tế Mỹ, tạo tiền đề cho Affordable Care Act. Nếu kể ra những điều Feeney đã làm cho nước Mỹ và thế giới, thực sự sẽ còn rất nhiều điều.
"Thượng đế không có ngân hàng còn vải liệm thì không có túi, ai sinh ra cũng đều tay trắng, cuối cùng lại trắng tay, chẳng ai có thể mang tài sản và danh tiếng mà mình cực khổ gây dựng đi cả", Feeney nói. Không có ai đứng phần mộ của bạn và kể về số tiền hay vị trí bạn kiếm được, họ chỉ nhớ về những điều tử tế bạn đã làm.
Giờ ở tuổi 88, Feeney không còn có thể chu du khắp nơi nữa; ông thích thưởng thức món gà yêu thích trong nhà hàng Bayside quen thuộc và nhớ về cuộc đời. Feeney từng nhận được một lá thư từ Amit Chandra, một tỷ phú Ấn Độ - người nói rằng ông ta thực sự được truyền cảm hứng bởi Feeney và quyết định quyên tiền xây trường học, bệnh viện.
Nhiều vị tỷ phú giống những họa sĩ Phục Hưng nổi tiếng, để lại những món tài sản kếch xù cho hậu thế như để lại các bức họa danh tiếng sau khi đã qua đời; Feeney thì khác, ông muốn trao đi khi còn sống, khi còn có thể nhìn thấy niềm vui của mọi người.
"Như vậy, chắc chắn thú vị hơn rất nhiều".
Nhận xét
Đăng nhận xét