ĐẤT NƯỚC CÓ DÂN SỐ ĐỨNG THỨ HAI TRÊN THẾ GIỚI SẼ VỠ TRẬN?
Sau lệnh phong tỏa toàn quốc, Ấn Độ "vỡ trận" vì dòng người đổ về quê: Người trèo lên nóc xe, bám cửa xe, người đi bộ hàng trăm km rời thành phố
Trước lệnh phong tỏa toàn quốc, hàng ngàn công nhân nhập cư ở Ấn Độ rơi vào tình cảnh thất nghiệp. Cuối tuần qua, Ấn Độ đã chứng kiến cảnh tượng chưa từng thấy khi biển người chen chúc nhau tại các trạm xe buýt để rời khỏi thành phố trở về quê nhà của những công nhân nhập cư.
Đất nước 1,3 tỷ dân này hiện ghi nhận khoảng 1000 ca dương tính với Covid-19 và hơn 20 trường hợp tử vong. Theo dự tính, đến giữa tháng 5, số ca nhiễm Covid-19 tại đất nước này có thể lên tới 100.000 trường hợp, khiến hệ thống y tế của Ấn Độ chịu áp lực rất lớn.
Do đó, để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, Thủ tướng Narendra Modi đã yêu cầu 1,3 tỷ dân số Ấn Độ ở nhà và đây là vụ phong tỏa lớn nhất trên thế giới. Tuy nhiên, với 120 triệu lao động nhập cư điều đó đồng nghĩa với việc họ rơi vào tình cảnh thất nghiệp.
Không có tiền lương để mua thức ăn hay trả tiền thuê nhà, những người lao động đang cố gắng tìm mọi cách trở về nhà, chen chúc nhau tại các bến xe bất chấp mối đe dọa lây nhiễm của Covid-19. Họ chỉ có một mục đích duy nhất là ra khỏi thành phố, trở về quê hương. Vào cuối tuần qua, nhiều chính quyền địa phương như Delhi, UP và Haryana đã bắt đầu cung cấp xe buýt cho người lao động ở xa để trở về quê.
Tuy nhiên, các chuyến xe đều trong tình trạng chật cứng, mọi người chen lấn, xô đẩy tạo ra khung cảnh hỗn loạn. Thậm chí có người còn trèo lên nóc xe, cửa xe chỉ để được trở về nhà. Trong khi đó, nhiều người lao động đứng chờ hàng tiếng đồng hồ cũng không thể lên được chuyến xe mơ ước. Một số người còn không đủ tiền vé xe cho cả gia đình để về quê.
Cuối cùng, hàng ngàn người đã lựa chọn việc đi bộ hàng trăm km để về quê. Dòng người đi bộ rời khỏi thành phố kéo dài bất tận. Họ mang theo lương thực và đồ đạc để dùng trên con đường chạy trốn khỏi đô thị. Tuy nhiên, giới chức trách lo lắng rằng, trước làn sóng di dời khỏi thành phố sẽ kéo theo tình trạng lây nhiễm Covid-19 trong dòng người di cư.
Tuy nhiên, người lao động không nghĩ nhiều đến điều này, họ chỉ có một suy nghĩ duy nhất là làm sao trở về nhà càng nhanh càng tốt.
Nguồn: Yahoo News, India Times
Nhận xét
Đăng nhận xét