KHÔNG THỂ NGỜ MỘT CƯỜNG QUỐC ĐỨNG ĐẦU THỂ GIỚI LẠI THIẾU THỐN VẬT TƯ Y TẾ NHƯ THẾ
Bloomberg đưa tin đội ngũ nhân viên y tế trên khắp nước Mỹ đã phải tự chế thiết bị bảo hộ từ đồ dùng văn phòng và một số vật liệu thông dụng khác cũng như tái sử dụng khẩu trang cũ,... để đối phó với tình trang thiếu hụt vật tư y tế cần thiết trong quá trình chăm sóc bệnh nhân nhiễm COVID-19.
Tự chế thiết bị bảo hộ từ đồ dùng văn phòng
Tấm nhựa vinyl trong suốt là một trong các vật liệu hữu dụng để chế tạo thiết bị bảo hộ. "Chúng tôi sắp hết sạch tấm che mặt", bà Becca Bartles - Giám đốc điều hành bộ phận chống nhiễm trùng tại Providence St. Joseph Health (một hệ thống gồm 51 bệnh viện), cho hay.
"Ngoài ra, chúng tôi có thể hết khẩu trang y tế trong vài ngày tới", bà Bartles chia sẻ thêm.
Để tạm cầm cự, các chuyên gia tại Providence đã thiết kế tấm che mặt thử nghiệm với các vật liệu sẵn có: tấm nhựa vinyl dùng trong hàng hải, băng keo công nghiệp, mút xốp và dây chun.
Tối hôm 16/3, nhóm chuyên gia của Providence mua vật liệu tại các cửa hàng thủ công và siêu thị Home Depot. Hôm 17/3, khoảng 20 nhân viên hành chính tại trụ sở tình nguyện tham gia lắp ráp khoảng 500 tấm che mặt dự kiến vận chuyển đến một bệnh viện tại Seattle tối cùng ngày.
Nhân viên hành chính tại Providence St. Joseph Health tự chế tấm che mặt từ đồ dùng văn phòng và một số vật liệu khác hôm 17/3. (Ảnh: Providence St. Joseph Health)
Providence có kế hoạch thu mua thêm vật liệu thô từ các hãng bán buôn và tiếp tục sản xuất tấm che mặt trong tuần nếu chính quyền bang không thể tiếp ứng thiết bị y tế. Một mẫu khẩu trang khác làm từ vật liệu bọc khay phẫu thuật vẫn đang được thử nghiệm để xác định liệu sản phẩm có đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng hay không.
Bà Jennifer Bayersdorfer - Phó Chủ tịch cấp cao của Providence, cho rằng các nhà chức trách đáng lẽ nên lường trước vấn đề thiếu hụt vật tư y tế. Providence chữa trị bệnh nhân COVID-19 đầu tiên của nước Mỹ từ tháng 1 năm nay.
"Tôi nghĩ giới chức bang Washington hiện không thể giải quyết tình huống này và có nhiều dấu hiệu cho thấy tình trạng thiếu hụt vật tư y tế sẽ trở nên rất nghiêm trọng", bà Bayersdorfer nói.
Y bác sĩ phải tái sử dụng thiết bị bảo hộ cũ
Tình trạng thiếu hụt thiết bị bảo hộ cá nhân (hay PPE) tại Providence cũng đang xảy ra trên khắp nước Mỹ, ngay lúc hệ thống bệnh viện và đội ngũ nhân viên y tế phải vật lộn để điều trị cho hàng nghìn bệnh nhân nhiễm COVID-19.
Theo Bloomberg, Washington là tiểu bang có nhiều ca bệnh thứ hai tại Mỹ. Theo dữ liệu của Đại học Johns Hopkins tính đến sáng ngày 23/3 (theo giờ địa phương), Washington xác nhận có 1.996 ca dương tính với COVID-19.
Bang Washington còn là địa điểm ghi nhận cụm dịch tại một viện dưỡng lão, khiến 30 người tử vong và báo động cho phần còn lại của nước Mỹ về mối nguy hiểm do dịch bệnh này gây ra.
Một nhân viên y tế đi ngang qua khu lều dựng bên ngoài phòng cấp cứu tại bệnh viện Montefiore New Rochelle, New York. (Ảnh: Bloomberg)
Hiện tại, dịch COVID-19 đang lan rộng trên khắp nước Mỹ, kéo theo tình trạng thiếu hụt vật tư y tế.
Các cuộc phỏng vấn với 10 bác sĩ cấp cứu (ER) và quản lí bệnh viện ở Mỹ cho thấy đội ngũ nhân viên y tế hiện phải thực hiện nhiều biện pháp mạnh mẽ để bảo toàn số thiết bị bảo hộ đang nhanh chóng cạn kiệt, đặc biệt là khẩu trang N95, thiết bị bảo vệ mắt, áo bảo hộ và găng tay.
"Nhiều bác sĩ ER phải tự tìm cách bảo vệ bản thân", bà Aimee Moulin - Giám đốc bộ phận cấp cứu tại UC Davis Medical Center, thông tin. "Họ đáng lẽ ra không cần phải lo lắng. Họ đang trực tiếp tham gia trận chiến và lẽ ra phải được trang bị bất cứ kì thiết bị gì họ cần".
Một số bác sĩ phải mang khẩu trang N95 về nhà để rửa bằng thuốc tẩy và tái sử dụng chúng. Một bệnh viện đã phải đặt hàng thiết bị y tế từ một công ty cung cấp kính bảo hộ và khẩu trang cho công nhân xây dựng. Một khoa cấp cứu phải khâu lại khẩu trang y tế đã giãn dây chun để tái sử dụng.
"Lần này không giống mọi khi", theo bà Vivian Reyes - bác sĩ ER tại San Francisco kiêm Chủ tịch phân viện California của Hiệp hội Bác sĩ Cấp cứu Mỹ. "Chuỗi cung ứng vật tư y tế của chúng tôi bị đình trệ. Chúng tôi không nhận được vật tư mới và các cửa hàng cũng gần như cạn kiệt".
Nhân viên Providence St. Joseph Health dùng máy may sản xuất khẩu trang y tế. (Ảnh: Providence St. Joseph Health)
Chính quyền Tổng thống Trump đã gắng sức đến đâu?
Nguy cơ nhiễm COVID-19 đối với đội ngũ y tế tuyến đầu là rất đáng lo ngại. Chẳng hạn, tại Italy - nơi các bác sĩ phải vật lộn với tình trạng thiếu thiết bị bảo vệ, 1.700 nhân viên y tế đã nhiễm COVID-19, tương đương khoảng 8% tổng số ca nhiễm của Italy, theo Doctors Without Borders.
Nhiều bệnh viện không thể đặt mua lượng thiết bị y tế nhất định trong bối cảnh nhu cầu trên toàn thế giới tăng vọt.
Chẳng hạn, từ sàng lọc một vài ca nghi nhiễm/ngày, Kaiser Permanente (có trụ sở tại Oakland, California và có 39 bệnh viện cùng 23.000 bác sĩ trên khắp nước Mỹ) đã chuyển sang sàng lọc hàng trăm bệnh nhân/ngày, theo phát ngôn viên Marc Brown.
Do đó, Kaiser đang cạn kiệt dần các thiết bị y tế như khẩu trang, tấm che mặt, áo bảo hộ cũng như tăm bông để lấy mẫu mang đi xét nghiệm.
Ông Brown cho biết Kaiser không thể đặt mua thêm vật tư y tế. "Các lô hàng cung cấp vật tư và thiết bị y tế mới đang bị trì hoãn hoặc đã bị hủy do chuỗi cung ứng của các nhà sản xuất gặp trục trặc và nhu cầu tăng mạnh trên toàn ngành y tế thế giới", ông Brown thông tin trong một tuyên bố bằng văn bản.
Theo một báo cáo của Premier - tổ chức hỗ trợ hơn 4.000 bệnh viện thành viên mua và quản lí nguồn cung vật tư y tế, hơn 50% bệnh viện đã thay đổi cách thức hoạt động từ cuối tháng 2 để bảo vệ nguồn thiết bị bảo hộ gồm áo, khẩu trang, găng tay, bao giày và tấm che mặt.
Cũng theo báo cáo ngày 9/3 của Premier, hơn 700 sản phẩm bảo hộ đã được "phân bổ", tức các bệnh viện chỉ nhận được một phần thiết bị mà họ đã đặt hàng, trong đó có khoảng 44% khẩu trang N95.
Tình trạng thiếu hụt này đã thúc đẩy một số nhóm đứng ra kêu gọi chính phủ liên bang giải phóng toàn bộ nguồn cung thiết bị y tế dự trữ trong Kho dự trữ Chiến lược Quốc gia (SNS) mà Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ kiểm soát.
Tuy nhiên, hệ thống y tế có thể sẽ phải thất vọng. Tháng trước, ông Alex Azar - Bộ trưởng Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ, từng phát biểu trước Quốc hội rằng kho dự trữ quốc gia hiện chỉ có 30 triệu khẩu trang y tế và 12 triệu khẩu trang N95. Ông cũng thông tin rằng thêm 5 triệu khẩu trang N95 có thể đã quá hạn sử dụng.
Phó Tổng thống Mike Pence trả lời câu hỏi của báo chí hôm 14/3. (Ảnh: Bloomberg)
Con số trên không đáng là bao so với nhu cầu thực tế trong đại dịch COVID-19. Các nhà khoa học của chính phủ Mỹ năm 2015 ước tính một đợt cúm mùa nghiêm trọng lây nhiễm cho 20 - 30% dân số sẽ cần ít nhất 1,7 tỉ chiếc khẩu trang N95.
Hôm 17/3, Phó Tổng thống Mike Pence cho biết Tổng thống Trump và ông dự kiến sẽ thảo luận về "chuỗi cung ứng vật tư y tế cho hệ thống bệnh viện". Ngoài ra, ông Pence cũng đã yêu cầu các công ty xây dựng "quyên góp khẩu trang N95 trong kho cho các bệnh viện địa phương và hủy đơn các đơn đặt hàng khẩu trang công nghiệp khác".
Ngoài ra, Bộ trưởng Mark Esper của Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết họ sẽ cung cấp khoảng 5 triệu khẩu trang N95, trong đó có 1 triệu khẩu trang sẽ được phân phối ngay lập tức, cùng 2.000 máy thở để ứng phó với đại dịch COVID-19.
"Lượng khẩu trang trên chỉ có thể là biện pháp tình thế chứ không thể là giải pháp cho toàn bộ vấn đề", ông Greg Burel - cựu Giám đốc SNS và hiện đang điều hành một công ty tư vấn trong lĩnh vực y tế.
Kho dự trữ SNS chỉ được Quốc hội phân bổ khoảng 600 triệu USD ngân sách mỗi năm và khoản tiền được dùng để trang trải cho chi phí thuốc men và đủ loại vật tư y tế để ứng phó với cúm mùa, thảm họa thiên nhiên,...
(Nguồn vietnambiz.vn)
Nhận xét
Đăng nhận xét