TẠI SAO CHỐNG COVID-19 TẠI MỸ LẠI GẶP KHÓ KHĂN?
- Nhận đường liên kết
- X
- Ứng dụng khác
Chuyện lạ: Chống Covid-19 tại Mỹ gặp khó khăn vì người dân sợ tốn tiền
Mỹ và Tổ chức y tế thế giới (WHO) đã phải khen Việt Nam về công tác phòng chống các đại dịch như Covid-19. Vậy tại sao nền kinh tế số 1 thế giới như Mỹ lại gặp nhiều thách thức trong việc chống dịch?
Đối với nền kinh tế số 1 thế giới như Mỹ, việc chống dịch Covid-19 là một trong những thách thức của năm 2020. Trong khi nhiều chuyên gia cho rằng với hệ thống y tế phát triển và công nghệ hàng đầu thế giới, Mỹ sẽ dễ dàng vượt qua được thử thách này nhưng câu chuyện lại phức tạp hơn nhiều.
Theo Washington Post, nỗi sợ hãi của người dân Mỹ về hóa đơn xét nghiệm, cũng như chi phí thuốc men khiến họ e dè trong công tác phòng chống dịch, bất chấp việc Covid-19 nguy hiểm đến mức nào. Những người có thu nhập trung bình hoặc thấp tại Mỹ thì không muốn xin nghỉ đi khám hay xét nghiệm vì sẽ bị mất thu nhập, qua đó khiến chính quyền Washington gặp nhiều khó khăn hơn trong công tác phòng dịch.
Tại Mỹ, dù y học phát triển nhưng tiền khám bệnh, thuốc men lại cao đến mức bất hợp lý. Người dân không thể dễ dàng mua thuốc nếu không có đơn kê của bác sĩ. Trong khi đó, bảo hiểm lại không chịu chi trả hoặc tìm những biện pháp để buộc người dân phải thanh toán những khoản phí khám cao khổng lồ.
Với công nghệ phát triển, việc xét nghiệm xem có nhiễm Covid-19 hay không tại Mỹ là hoàn toàn khả thi nhưng các chuyên gia nhận định nhiều người có triệu chứng cảm cúm hay nhiễm bệnh sẽ không đi khám nhằm đỡ tốn tiền. Hệ quả là số lượng người nhiễm bệnh tại Mỹ sẽ tiềm tàng và ngày một tăng, qua đó gây nên rủi ro rất lớn cho sức khỏe cộng đồng.
Trong những ngày gần đây, việc có nhiều người nhiễm và bắt đầu có người tử vong vì Covid-19 đã khiến chính quyền Washington đẩy mạnh xây dựng những phòng xét nghiệm cũng như chiến dịch phòng bệnh. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại người dân Mỹ vẫn chưa nhận được một thông báo chính thức nào về việc họ sẽ phải đi đâu để xét nghiệm và liệu bảo hiểm có chi trả cho số tiền khổng lồ đó không.
Công tác phòng dịch không thực tế
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, những khuyến nghị của Trung tâm phòng chống và kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC) không mang tính thực tế. Các quan chức đề nghị người dân tích trữ dược phẩm nhằm đề phòng trường hợp có thể bị cách ly nhưng các công ty bảo hiểm lại chẳng chịu đồng ý cấp phép chi trả tiền mua thuốc mới trừ khi thuốc cũ đã hết. Vậy là nếu người dân muốn tích trữ dược phẩm, họ sẽ phải tự bỏ tiền túi dù đã đóng rất nhiều tiền bảo hiểm.
Những cơ quan chức năng thì khuyến nghị người dân có triệu chứng hay đang ốm nên ở nhà, nhưng chẳng công ty nào chịu trả lương cho nhân viên cứ ở nhà suốt khi chưa có giấy xác nhận nhiễm bệnh hay lý do chính đáng.
Mặc dù Mỹ đã chi lượng lớn tiền cho công tác phòng dịch nhưng phần lớn chúng đổ vào các phòng nghiên cứu, xét nghiệm công trong khi những trung tâm khám bệnh tư hay phòng khám riêng lại chẳng được đoái hoài. Tuy được hỗ trợ chi phí nhưng với độ phủ sóng không rộng và tốn thời gian chờ đợi lâu, các bệnh viện công thường không phải sự lựa chọn hàng đầu của nhiều lao động Mỹ. Thế những những phòng khám tư lại chẳng được hỗ trợ mấy mà phải tùy thuộc vào bảo hiểm hoặc túi tiền của bệnh nhân.
Hệ quả là khi người dân đi khám tại đây, bảo hiểm thường sẽ viện dẫn nhiều lý do để không thanh toán và buộc họ phải nghĩ ngợi khi chi 1 khoản tiền lớn chỉ để xét nghiệm xem mình có nhiễm Covid-19 hay không.
Khoảng 50% trong số 160 triệu lao động Mỹ đóng bảo hiểm qua lương nên việc khám chữa bệnh của họ phụ thuộc rất nhiều vào việc các công ty bảo hiểm này có đồng ý chi trả hay không.
"Bảo hiểm không hiệu quả là thứ khiến mọi người phải nghĩ lại khi muốn đi khám nếu cảm thấy không được khỏe. Trong một cuộc chiến chống đại dịch, điều tồi tệ nhất là khi mọi người phải ngập ngừng khi muốn đi khám", chuyên gia Larry Levitt của Tổ chức nghiên cứu sức khỏe Kaiser Family Foundation ngán ngẩm nói.
Những tổ chức vận động hành lang của các công ty dược phẩm, bảo hiểm có quyền lực khá mạnh. Chính họ là những người duy trì sự độc tôn siêu lợi nhuận cho các doanh nghiệp, tập đoàn nhằm hưởng các chính sách có lợi, để người dân Mỹ phải khốn đốn khi muốn khám sức khỏe hay mua thuốc với giá cắt cổ.
Tổ chức vận động hành lang "America’s Health Insurance Plans" (AHIP) của ngành bảo hiểm Mỹ đã tung ra bản hướng dẫn mang tên "Giúp người Mỹ an toàn khỏi virus Corona". Trong đó, tổ chức này tuyên bố sẽ cẩn thận điều phối hệ thống bảo hiểm và hợp tác với CDC để phòng chống dịch Covid-19.
Điều trớ trêu là dù tuyên bố như vậy nhưng AHIP lại không hề hối thúc các công ty bảo hiểm hỗ trợ tiền thanh toán xét nghiệm cho các bệnh nhân.
Giám đốc Trung tâm An ninh Y tế Thomas Inglesby thuộc Trường Y tế công Johns Hopkins Bloomberg cho rằng việc hỗ trợ chi phí xét nghiệm mới là ưu tiên cần thiết hàng đầu mà chính phủ Mỹ cần quan tâm hiện nay.
Một nền y tế thực dụng
Anh Osmel Martinez Azcue mới trở về Mỹ từ Trung Quốc. Anh cũng đã từng phải quá cảnh ở Italy vì công việc và về Mỹ vào ngày 27/1/2020. Sau khi nghe tin về Covid-19, mẹ của Osmel khuyến khích anh nên đi xét nghiệm bởi Osmel có những triệu chứng cảm cúm.
Khi Osmel gọi cho trung tâm y tế khẩn cấp tại Miami, anh được thông báo là chỉ có 2 bệnh viện công trong vùng làm xét nghiệm Covid-19 được. Sau khi đến bệnh viện Jackson Memorial, các bác sĩ ngay lập tức cảnh giác với triệu chứng của Osmel và cho cách ly ngay lập tức.
Các chuyên gia đề nghị anh Osmel thực hiện quét CT, nhưng phía bảo hiểm cho biết anh phải trả trước 5.000 USD chi phí rồi sau đó mới được phép hoàn lại một phần. Khá lo lắng về vấn đề chi phí, Osmel đề nghị được xét nghiệm cúm thường với chi phí rẻ hơn chứ không làm xét nghiệm Covid-19.
Chỉ 2 giờ sau đó, anh Osmel ra về với kết quả xét nghiệm cúm thường và được kê đơn Tamiflu.
Dẫu vậy vào ngày 14/2/2020, Osmel tá hỏa khi nhận được hóa đơn 3.270,75 USD từ hãng bảo hiểm. Họ cho biết anh phải chứng minh mình không bị tiền sử bệnh cúm bằng cách cung cấp hồ sơ bệnh án trong 3 tháng trước đó, bằng không hãng sẽ không thanh toán hóa đơn.
Sau khi câu chuyện của Osmel lên báo, hãng bảo hiểm đã chấp nhận hỗ trợ một phần và anh Osmel phải thanh toán 1.400 USD (33 triệu đồng) cho xét nghiệm cúm thường và một đơn thuốc Tamiflu.
Những trường hợp như của anh Osmel khiến nhiều người Mỹ chẳng muốn xét nghiệm hay phải dính dáng nhiều đến bệnh viện hoặc hãng bảo hiểm.
"Xã hội sẽ được hưởng lợi chung khi chúng ta miễn phí xét nghiệm cho mọi người, không chỉ riêng phí xét nghiệm mà là toàn bộ các công đoạn xét nghiệm", Giám đốc Inglesby nói.
Tại Mỹ, dù các cơ quan chức năng đã khuyến cáo người dân nên thông báo bác sĩ nếu họ có triệu chứng nhiễm bệnh và từng đi qua các vùng dịch nhưng chẳng mấy ai muốn phiền phức tốn thêm tiền. Chủ tịch Robert McLean của liên hiệp bác sĩ Connecticut cho biết, họ chẳng nhận được mấy cuộc gọi kiểu này.
Bên cạnh đó, Giáo sư Sabrina Corlette của trường đại học Georgetown cho biết gần 1/3 tổng số lao động Mỹ và hơn 2/3 số người có thu nhập thấp tại nước này không được trả lương nếu nghỉ ốm. Bởi vậy việc tự giác thú nhận mình có triệu chứng bệnh hay đi xét nghiệm là điều khá khó khăn cho người Mỹ.
(Cafebiz)
- Nhận đường liên kết
- X
- Ứng dụng khác
Nhận xét
Đăng nhận xét