CHUYẾN BAY CUỐI CÙNG TỪ HÀ LAN VỀ VN
Du học sinh Việt về nhà ngay trước giờ cấm bay
Nghe tin Việt Nam sắp đóng cửa biên giới và Hà Lan sẽ phong tỏa đất nước, Thúy Huyền trả nhà, ra thẳng sân bay nhưng lúc nối chuyến thì được tin hãng bay ngừng chở khách mọi quốc tịch vào Việt Nam.
Chuyến bay hôm 19/3 là lần đầu tiên cô về nhà sau hơn một năm du học tại Hà Lan. Ảnh: NVCC. |
0h ngày 13/3, Thúy Huyền nhận được email của Đại học Erasmus Rotterdam thông báo cho sinh viên học online nhằm tránh lây nhiễm nCoV. Cô lập tức gọi cho bố mẹ ở Việt Nam, quyết định về.
Hà Lan khi ấy có hơn 2.000 ca Covid-19 và 58 người chết, chủ yếu là người già, nhưng sinh viên vẫn đến trường, nhịp sống diễn ra bình thường. Huyền đã khá bình tĩnh với tình hình ở Rotterdam, mua đồ ăn tích khoảng 1-2 tuần, nhốt mình trong phòng và hạn chế ra đường. Khẩu trang cháy hàng từ khi bắt đầu dịch khiến các du học sinh như Huyền phải xin bạn bè làm ở tiệm nail để dùng. Nữ sinh 20 tuổi may mắn trữ được một ít từ năm ngoái do mặt bị dị ứng. Huyền chưa thể về nước vì không dám bỏ việc học, thi cử, công việc làm thêm và cả khoản tiền nhà hơn chục triệu đồng. Cô cố gắng chọn ngày phù hợp để lo hết các vấn đề rồi mới sơ tán. Nhưng mọi chuyện thay đổi từ khi có mail của trường.
Hôm sau, cả nhà Huyền cùng đặt vé, chốt ngày bay và lên kế hoạch kỹ càng để cô an toàn trên đường di chuyển. Trước ngày bay, Huyền nghe tin Việt Nam sắp đóng cửa biên giới và Hà Lan sẽ phong tỏa toàn đất nước. Nếu ra thông báo đóng cửa, Hà Lan sẽ chỉ cho cư dân 4-5 tiếng để xoay xở. Nữ sinh năm hai ngành truyền thông như "ngồi trên đống lửa", đặt mình vào chế độ sẵn sàng xách valy ra thẳng sân bay. Bố mẹ cô ở nhà phân chia người đi làm, người cập nhật tình hình.
"Lúc đấy đúng như đánh bạc, chẳng biết thắng thua thế nào", Huyền nhớ lại sau khi trở về Việt Nam bốn ngày.
Cô giữ liên lạc với bố mẹ 24/24 vì tình hình thay đổi chóng mặt. Hôm 18/3, Huyền trả nhà, mang theo khẩu trang, nước rửa tay khô, nước súc miệng, áo mưa, khăn ướt có cồn, xịt khử trùng rồi bọc tất cả trong túi zip ra sân bay. Bạn trong nhóm của Huyền còn bọc điện thoại và mọi thứ trong túi zip đục lỗ để dùng. Cả nhóm đặt vé theo hàng ngang để giảm thiểu lây nhiễm. Ở sân bay, chỉ người châu Á đeo khẩu trang và bao tay, còn lại mọi người giữ khoảng cách nhất định với nhau mà không có biện pháp phòng ngừa.
Lên máy bay, Huyền lau toàn bộ chỗ ngồi, hạn chế tối đa đi vệ sinh. Trước khi ăn, cô tháo bao tay, dùng nước rửa tay khô, lúc ăn tránh nói chuyện. Chuyến bay ít khách đến nỗi Huyền và các bạn được cả một khoang ghế để nằm.
"Chúng tôi không tiếp xúc với người ngoài và bịt khẩu trang suốt 24 tiếng; 4-5 tiếng thay khẩu trang một lần", Huyền kể.
Hà Lan không có chuyến bay thẳng nên Huyền phải quá cảnh ở Doha, Qatar. Vừa đến nơi nối chuyến, Huyền nhận được thông báo của hãng hàng không Qatar Airways về việc ngừng vận chuyển hành khách mọi quốc tịch (kể cả công dân Việt) vào Việt Nam kể từ 0h ngày 20/3. Những khách đáp chuyến đến Việt Nam ngày 19/3 vẫn được tiếp nhận nếu có quốc tịch Việt Nam.
Huyền bay ngày 18/3 và sẽ đáp ở Nội Bài ngày 19/3, ngay trước khi Qatar thi hành phương án này. Chuyến của cô là chuyến bay cuối cùng từ Qatar về Việt Nam.
Cả chuyến về toàn người Việt. Sân bay vắng người, nhưng Huyền thấy được an ủi khi xung quanh mình là đồng hương. Gần 2h sáng, hãng thông báo hoãn chuyến và cung cấp chút đồ ăn lót dạ cho hành khách. Sau gần 7 tiếng trên máy bay, Huyền tiếp tục nằm chờ 6 tiếng để lên chuyến bay về nhà.
"Tôi biết mình không còn đủ sức để thức chờ đồ ăn nên lấy kẻ lông mày viết dòng chữ 'làm ơn để đồ ăn ở đây lúc tôi đang ngủ' để các bạn tiếp viên không đánh thức", Huyền kể.
Huyền ở cùng nhóm bạn về từ Hà Lan trong căn phòng khép kín tại khu cách ly ở Thanh Trì. Ảnh: NVCC. |
Tỉnh dậy, cô nhận được phần ăn, chai nước và lời nhắn "uống đủ nước" của tiếp viên viết trên thực đơn. Lúc máy bay đáp xuống sân bay Nội Bài, phi hành đoàn nói trên loa: "Đây là vinh hạnh của chúng tôi khi được đưa các bạn về nhà", thay vì "Hân hạnh được bay cùng các bạn" như mọi khi. Câu nói khiến Huyền ấm lòng và nhẹ nhõm vì cuối cùng sau gần 24 tiếng, cô đã về được nhà.
Xuống sân bay, cô gọi điện báo bố mẹ vì suốt hành trình không có wifi để liên lạc, sau đó lên xe về khu cách ly.
Về tới khu dạy nghề Thành An ở Tam Hiệp, quận Thanh Trì, Huyền cùng các bạn được đón tiếp chu đáo, phòng ở khép kín, có 4 giường tầng, trang bị mỗi giường một chiếc quạt, bộ chăn màn và cả chỗ giặt đồ có sẵn chậu, bột giặt và nước xả vải. Mỗi người còn được chuẩn bị từ dầu gội, mắc áo, ấm đun nước đến giấy vệ sinh. Cô ấn tượng với thầy Trung, người đón tiếp nhóm du học sinh, vì sự hài hước, ấm áp; cô thương các chú bộ đội đang làm việc liên tục dưới sân và thấy vui vui khi không ai quen ai nhưng sẵn sàng giúp nhau bê đồ lên phòng.
"Tôi xác định sẵn là về sẽ đi cách ly nên không có bất cứ lo lắng gì. Cách ly cho mình, cho gia đình cho xã hội, đó là bổn phận, phải làm. Lúc nhận phòng, thấy sạch sẽ, gọn gàng, đầy đủ, tôi vui và cảm thấy biết ơn. Các chú bộ đội vui tính tận tình, không có chỗ nào chê được", Huyền cho hay.
Huyền nhận ra "không đâu bằng nhà" và được nói tiếng Việt sau hơn một năm đi học xa khiến cô "vui khó tả". Bữa ăn đầu tiên trong khu cách ly, Huyền ăn nhanh nhất phòng, hết đầu tiên vì "ngon quá". Du học phải tự mình làm mọi việc nên về được phục vụ chu đáo, Huyền sung sướng lo tăng cân.
Ngay tối hôm đó, Huyền nhận được đồ tiếp tế của gia đình, có cả món trà sữa 50 đường, 50 đá yêu thích bố gửi vào. Cả tháng qua mẹ Huyền sống trong lo lắng, chỉ đến khi con về an toàn, mẹ cô mới yên giấc.
Huyền rời thành phố Rotterdam hôm 18/3 để lên chuyến bay cuối cùng rời châu Âu về Việt Nam. Ảnh: NVCC. |
Hàng sáng, Huyền được kiểm tra thân nhiệt, nếu có bất thường sẽ chuyển đến khu cách ly biệt lập. Về nước nhưng hàng ngày Huyền vẫn phải thức đêm cập nhật bài vở và làm bài tập vì khác múi giờ. Trước khi rời thành phố Rotterdam, Huyền chụp bức hình lưu niệm bên đống hành lý và đăng lên trang cá nhân với chú thích: "Post tấm hình chưa biết ngày quay trở lại".
Hà Phương
Nhận xét
Đăng nhận xét