CÔNG KHAI VÀ MINH BẠCH TRONG THỜI DỊCH CORONA
Thư Sài Gòn
Sáng nay, Hoàng Hối Hận trồi lên viết một status về điều này, rồi lại tuột xuống. Đại để, Hoàng chia sẻ điều mà Juergen Klopp (1) đã nói khi có phóng viên hỏi ông về con virus Corona đang làm xáo trộn đời sống Anh quốc nói riêng và thế giới nói chung.
Klopp nói: “Phát ngôn của những người nổi tiếng không nên được xem trọng. Những người đáng nên được lên tiếng phải là có chuyên môn và biết nói ra điều gì, đưa ra lời khuyên hữu ích, chứ không phải HLV bóng đá. Tôi không hiểu gì về chính trị, virus corona. Tại sao lại hỏi tôi? Tôi chỉ là HLV bóng đá".
Phải. Và trên Facebook, chúng ta đang nói quá nhiều. Có quá nhiều nhà hoạch định chiến lược, quá nhiều bác sĩ, quá nhiều nhà dịch tễ học, quá nhiều nhà nghiên cứu xã hội, nhưng lại có quá ít thông tin thật sự chính xác và rõ ràng. Và trong số mấy người chém gió đó, có tôi.
Chiều qua tôi phì cười vì một bình luận vui của một bạn: 17 dằn non được rồi, rút làm chi cho quắc (2). Phải, từ 17, con số đã nhảy lên 29 một cách nhanh chóng. Và ngay sáng mai, có thể ta sẽ thức dậy cùng với một nỗi chán chường, âu lo khi con số ấy lại thay đổi. Đến lúc này, ngoài việc tuân thủ các biện pháp phòng dịch đã thuộc nằm lòng từ cả tháng qua, có lẽ ta cần thêm một thứ nữa: Thông tin chính xác.
Ở Việt Nam, việc minh bạch thông tin của Chính phủ trong những ngày qua đã cho thấy một sự thật: Tin giả, tin đồn và những luận điệu chống phá sẽ không còn đất sống khi người dân cùng chung tay chống dịch.
Nếu mặt trời là chất khử trùng tốt nhất thì ngược lại: Bóng tối và những góc khuất là nơi nuôi dưỡng một thứ gì đó thật sự khủng khiếp. Bài viết trên HBR nhấn mạnh: Sự minh bạch thông tin là “nhiệm vụ đầu tiên” của giới lãnh đạo trong cơn khủng hoảng. Đã đến lúc phải minh bạch về những gì ta biết, những gì ta không biết và những gì ta đang làm để biết thêm. Ta không thể kiểm soát một bí mật.
Hãy nhớ, virus Vũ Hán đã trở thành cơn khủng hoảng toàn thế giới là bởi sự thiếu minh bạch của chính quyền Trung Quốc. Từ tháng 12 năm ngoái đã có dấu hiệu vì một loại virus nguy hiểm. Chính phủ Trung Quốc đã che giấu nó, kết quả là họ mất sáu tuần tối quan trọng trong việc cảnh báo và chặn đứng nguy cơ lan rộng dịch bệnh.
Bài viết trên HBR viết: “Người ta sẽ nói: Trung Quốc làm sao mà đòi minh bạch, bộ tưởng họ là phương Tây sao. Nhưng thật không may, phản ứng của Hoa Kỳ trước con virus này cũng không lấy gì làm nhanh nhạy. Và lịch sử tang thương của nhân loại dường như đang lặp lại. Năm 1918, một đại dịch cúm đã giết chết hàng triệu cư dân toàn cầu, trở thành một thảm họa của nhân loại ở thế kỷ 20. Nó cũng xuất phát từ việc rất nhiều quốc gia giấu dịch vì kiểm duyệt thông tin. Điều trớ trêu là, quốc gia cởi mở nhất trong việc công bố thông tin vào lúc đó là Tây Ban Nha, đã bị lưu danh muôn thuở theo cái cách không hề mong muốn. Vì công bố dịch sớm nhất để cảnh báo, con virus ấy đã chết tên “cúm Tây Ban Nha”.
Nhân 100 năm đại dịch “cúm Tây Ban Nha”, nhà sử học Anne Rasmussen, giáo sư Đại học Strasbourg, giải thích: ''Vào thời điểm đó, nước Pháp đang trong tình trạng chiến tranh. Thông tin bị kiểm duyệt tại tất cả các quốc gia tham chiến'. Tây Ban Nha là quốc gia trung lập nên truyền thông không bị kiểm duyệt. Và thế là người ta cứ ngỡ dịch cúm này chỉ có ở Tây Ban Nha, trong khi người chết vì nó la liệt ở nhiều nơi khác trên toàn châu Âu”.
HBR viết: “Che giấu tin dữ gần như là một phản xạ ở hầu hết các tổ chức, chính phủ, nhưng những nhà lãnh đạo thông thái cần phải nhận ra: phát ngôn sớm và trung thực trong cơn khủng hoảng là một chiến lược quan trọng để giải quyết khủng hoảng. Danh tiếng của một chính phủ, một tổ chức là câu chuyện dài hơi. Thừa nhận tin dữ có thể tạo ra chút tổn hại về danh tiếng, nhưng bù lại, tạo ra một sự tin tưởng lâu dài. Nhân dân sau phút khó chịu ban đầu rồi sẽ tin vào những quyết sách và cam kết của chính phủ.”
Chọn minh bạch giữa cơn khủng hoảng đòi hỏi sự chuẩn bị cho một tình huống mà nhà tư tưởng Peter Senge gọi là hiệu ứng “tệ hơn trước khi tốt lên”. Khi tin xấu được công bố, chẳng hạn như những ca nhiễm, danh tính những người nhiễm được ứng xử như nhau, những người mà họ đã gặp, những nơi mà họ đã đi, ta bắt đầu nhảy bước đầu tiên trong hành trình vượt rào đến thành công. Nhận được thông tin và quan trọng hơn, tin tưởng vào thứ thông tin chính thống ấy, người dân sẽ tập trung chú ý và cùng chính quyền địa phương cùng nhau xử lý những vấn đề rõ ràng, trực quan, hơn là sống trong niềm tin hão là mọi thứ sẽ ổn.
Ở Việt Nam, việc minh bạch thông tin của Chính phủ trong những ngày qua đã cho thấy một sự thật: Tin giả, tin đồn và những luận điệu chống phá sẽ không còn đất sống khi người dân cùng chung tay chống dịch.
Cổng Thông tin Chính phủ vừa công bố: Từ sáng 10/3, sẽ thực hiện khai báo sức khỏe toàn dân. Chúng ta đã thắng hiệp một của cuộc chiến chống virus Corona, nhưng đang bị dẫn trước trong hiệp thứ hai. Dịch đã lan ra hơn 100 nước khiến cho tình huống trở nên ngặt nghèo hơn. Không chỉ kiểm soát những người nhập cảnh, giờ là lúc phải theo sát ngay chính những người trong nước để tránh cảnh thua ngay trên sân nhà.
Tôi nghĩ người dân sẽ không có vấn đề gì với việc tự nguyện khai báo sức khỏe, dù là qua app công nghệ hay luân phiên đến một điểm nào đó. Chính phủ và các ban ngành chức năng cũng không hề che giấu thông tin dù với bất cứ lý do gì.
Chỉ là tất cả chúng ta cần trung thực thông tin về sức khoẻ và y tế, lấy đó làm tôn chỉ tối thượng trong giai đoạn cam go của cuộc chiến chống COVID-19.
Khi có true news, dù là bad news, sẽ không còn fake news. (3)
Mong chúng ta bình an ♥️ ♥️ ♥️
(1) Juergen Klopp: Huấn luyện viên bóng đá nổi tiếng người Đức. Từng giành nhiều danh hiệu với các CLB hàng đầu thế giới, hiện đang dẫn dắt CLB Liverpool.
(2) “dằn non”; “quắc”: các thuật ngữ của môn chơi bài xì dách (black-jack)
(3) “true news”; “bad news”; “fake news”: tin chính xác; tin xấu; tin giả.
Nhận xét
Đăng nhận xét