GIỮ TÂM LÝ KHÔNG HOANG MANG LÀ QUAN TRỌNG NHẤT TRONG ĐẠI DỊCH COVID - 19
“Người xưa có câu: ‘Bần cùng sinh đạo tặc’. Vì thế, nếu tình hình dịch bệnh kéo dài, những người lao động bị mất việc làm, không có thu nhập, bị đẩy vào tình huống bần cùng sẽ ra sao? Đó sẽ là hiệu ứng xã hội mà chúng ta phải nghĩ tới ngay từ bây giờ”.
Đó là chia sẻ từ ông Đỗ Cao Bảo – thành viên HĐQT Tập đoàn FPT khi phân tích về những ảnh hưởng tích cực và tiêu cực của dịch bệnh Covid-19 tác động đến nền kinh tế Việt Nam.
Từng có nhiều bài viết phân tích về điểm mạnh – yếu của người Việt, ông thấy những điểm mạnh – yếu đó đang được bộc lộ như thế nào trong đợt dịch Covid-19 lần này?
Đỗ Cao Bảo: Hiện tại, số ca nhiễm mới của Việt Nam đã tăng lên 34, nhưng đến lúc này, vẫn có thể nói rằng, chúng ta đã và đang kiểm soát dịch bệnh rất tốt với sự nỗ lực, quyết tâm lớn từ Chính phủ.
Cá nhân tôi nghĩ rằng, nếu đúng như Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu thì Chính phủ đã có tới 5 kịch bản ứng phó. Nếu phải chuyển sang kịch bản 4-5, khi số lượng ca nhiễm tăng cao thì có lẽ, Chính phủ sẽ không sử dụng phương án cách ly như hiện tại mà còn có những giải pháp khác. Nhưng nếu không quyết liệt dập dịch ngay từ đầu, để nó lan rộng nhanh chóng như Italy thì hệ thống y tế của nước ta sẽ bị quá tải vì không có đủ thời gian chuẩn bị.
Xét về tố chất dân tộc, tôi cho rằng, tôi cho rằng người Việt đoàn kết thống nhất thành một khối, phát huy tốt nhất sức mạnh và tố chất của dân tộc trong chiến tranh chống xâm lược, khi gặp nghich cảnh khó khăn như dịch bệnh. Một ví dụ nhỏ để chứng minh tinh thần đoàn kết trong đợt dịch này là nếu như trước kia, những người có tư tưởng không chính thống thường nói rất mạnh miệng, thu hút được sự quan tâm của nhiều người. Những ngày đầu khi dịch bùng phát ở Việt Nam, họ vẫn làm theo cách đó. Nhưng càng về sau, những ý kiến chê trách Chính phủ, càng không được quan tâm nữa. Quan sát dư luận, tôi thấy mọi người đều đồng lòng, tin tưởng Chính phủ và dốc sức chống dịch.
Ở nhiều nơi, những việc tốt đẹp diễn ra hàng ngày: doanh nghiệp, cá nhân may tặng khẩu trang cho mọi người, nhiều nhà hảo tâm mua tặng nước rửa tay, khẩu trang vải, dung dịch sát khuẩn… Tính sáng tạo của người Việt cũng được phát huy với việc chế biến bánh mỳ, piza thanh long, bún dưa hấu…
Tuy nhiên, điểm yếu lớn nhất có lẽ là tâm lý. Tâm lý người Việt dễ rơi vào hai trạng thái, hoặc là hoảng sợ, hoặc là khi dịch được kiểm soát ổn hơn một chút, họ nhanh chóng chuyển từ trạng thái rất cảnh giác sang chủ quan.
Tâm lý này thể hiện ở một số việc như: ngay khi Bộ Y tế công bố Việt Nam xuất hiện ca bệnh số 17, sáng hôm sau, người dân đổ đến mua hàng ở nhiều siêu thị. Tuy nhiên, ngay sau đó chỉ 1 ngày, các siêu thị lại đầy ắp hàng hóa trong khi không có mấy khách tới mua.
Tâm lý hoảng sợ là điều rất đáng ngại. Vì có nhiều người sợ nhưng vẫn rất mất cảnh giác với dịch bệnh. Họ càng chạy, càng đổ xô đi mua sắm thì khả năng lây lan càng cao.
Nói về nỗi sợ, nếu so sánh Việt nam với các nước khác trên thế giới khi đối phó với dịch Covid-19, ông có nhận xét gì?
Đỗ Cao Bảo: Một số nước châu Âu cho rằng, Covid-19 chỉ như bệnh cúm mùa, những người khỏe sẽ tự khỏi. Ví dụ điển hình cho quan điểm này là việc bệnh nhân số 32 ở Việt Nam, dù đã khai báo y tế và liên hệ với bệnh viện ở Anh nhưng khi chưa có đầy đủ triệu chứng, cô vẫn bị từ chối xét nghiệm và không được nhập viện.
Khoan hãy bàn đến chuyện đúng - sai của nước họ, nhưng rõ ràng, quan điểm đó đã làm cho dịch bệnh ở các nước phương Tây lây lan nhanh.
Tôi cho rằng, nhiều nước Âu – Mỹ tỏ ra không lo lắng bởi vì thứ nhất, họ muốn tự do cá nhân tuyệt đối, không chấp nhận cuộc sống cách ly, thứ hai, họ cho rằng, cá nhân là quan trọng nhất và thứ 3 là nếu giữa hai bệnh nhân trẻ và già, họ sẵn sàng ưu tiên cứu người trẻ.
Ở Việt Nam, chúng ta hoàn toàn không có những tư tưởng đó. Chúng ta cho rằng, sức khỏe và tính mạng là quan trọng nhất nên sẵn sàng chấp nhận cuộc sống cách ly. Chúng ta đặt lợi ích cộng đồng lên cao hơn và sẵn sàng nhường cơ hội chữa bệnh cho người lớn tuổi, cho ông bà, bố mẹ mình.
Đến giờ này, ngoại trừ sự hoảng sợ của một số người, nhìn chung, chúng ta đã có thái độ đúng và rất tin tưởng ở Chính phủ. Điều này rất cần duy trì vì trong mọi hành động luôn cần sự nhất quán vì một người chủ quan trong khi tất cả cẩn trọng thì cũng vô nghĩa. Những người đó có thể trở thành bệnh nhân siêu lẫy nhiễm, gây họa cho cả cộng đồng.
Theo ông, dịch Covid-19 đã và đang làm thay đổi cán cân thương mại, phương thức kinh doanh như thế nào?
Đỗ Cao Bảo: Hiện nay, dịch đã ảnh hưởng rất nhiều đến kinh tế. Cùng với thắng lợi ban đầu trong đợt đầu chống dịch, Việt Nam cũng phải trả giá rất nhiều.
Tuy nhiên, mỗi quốc gia đều có một chính sách khác nhau. Ví dụ Singapore, Thái Lan không chọn những biện pháp chống dịch mạnh mẽ như Việt Nam thì trước mắt, kinh tế của họ không bị ảnh hưởng nhiều như nước ta.
Tôi nghĩ, công tác chống dịch lúc này sẽ rất khó khăn khi phải giải quyết bài toán vừa chống dịch, vừa làm sao đảm bảo mức thiệt hại kinh tế thấp nhất có thể. Hiện giờ, chưa ai có thể dự đoán một cách chính xác, dịch bệnh sẽ làm nền kinh tế ảnh hưởng đến mức độ nào và khi đó, sẽ gây ra những hệ lụy gì cho quốc gia.
Người xưa có câu: “Bần cùng sinh đạo tặc”. Vì thế, nếu tình hình này kéo dài, những người không có công ăn việc làm, bị đẩy vào tình huống bần cùng sẽ ra sao? Đó sẽ là hệ lụy tiêu cực nhất mà chúng ta cần tính đến từ bây giờ. Đáng buồn là khi nghe tin doanh nghiệp bị phá sản, nhiều người Việt vẫn còn khá vô cảm. Họ không nghĩ rằng, doanh nghiệp phá sản thì vấn đề đáng lo nhất không phải là chủ doanh nghiệp mà chính là hàng trăm, hàng nghìn lao động bị mất việc làm.
Về cán cân thương mại, Trung Quốc đang là đối tác lớn của Việt Nam. Thống kê năm 2019, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc chiếm đến 22,6% (tổng kim ngạch 116,86 tỷ USD), một tỷ lệ áp đảo so với hơn 200 quốc gia, vùng lãnh thổ Việt Nam có quan hệ giao thương.
Quan hệ thương mại lớn như vậy thì đương nhiên khi Trung Quốc xảy ra dịch bệnh, Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng lớn. Hiện nay, Chính phủ đã cho hàng hóa thông quan qua biên giới và chỉ hạn chế sự di chuyển qua lại của công dân hai nước. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp Việt Nam sản xuất dựa trên nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc, đặc biệt là ngành dệt may (dù Việt Nam là nhà sản xuất dệt may lớn thứ ba thế giới nhưng vẫn không tự chủ được nguồn nguyên liệu). Vì thế, trong lúc biên giới vẫn thông thì các doanh nghiệp dệt may vẫn sẽ phải đối mặt với nguy cơ hết nguyên liệu do chính các nhà máy ở Trung Quốc cũng vấp phải khó khăn hoặc thậm chí đã phải đóng cửa.
Nếu như Trung Quốc không thể hồi phục nhanh, một vài tháng nữa, không chỉ có dệt may mà nhiều nhà máy chuyên về giày da, điện tử, cơ khí, chế tạo máy... của Việt Nam cũng sẽ lao đao vì khó khăn do phụ thuộc nguyên liệu từ Trung Quốc.
Có thể nói, dịch Covid-19 như “liều thuốc thử”, giúp chúng ta nhìn thấy một loạt điểm yếu của rất nhiều ngành kinh tế, trong đó nổi bật là sự phụ thuộc vào kinh tế Trung Quốc.
Tiếp theo là đối tác lớn Hàn Quốc. Mặc dù không có kim ngạch xuất nhập khẩu lớn như Trung Quốc nhưng Hàn Quốc lại đang có rất nhiều nhà máy lớn, sử dụng nhiều lao động tại Việt Nam như LG, Samsung, các doanh nghiệp dệt may Hàn Quốc… Để đảm bảo vận hành sản xuất, họ phải cử chuyên gia sang Việt Nam. Nhưng trong bối cảnh hiện nay, các chuyên gia từ Hàn Quốc khi tới Việt Nam phải cách ly 14 ngày, gây nên khó khăn lớn cho doanh nghiệp.
Đại sứ quán Hàn Quốc đã đề nghị cho các chuyên gia Hàn Quốc được cách ly tại nhà máy có sự giám sát của cơ quan y tế Việt Nam. Tuy nhiên, thông tin này lại bị nhiều người hiểu sai là họ đề nghị không cần cách ly. Có lẽ chúng ta nên xem xét kỹ hơn đề xuất của nước bạn để có những phương án tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam.
Về phương thức kinh doanh cũng sẽ có nhiều thay đổi lớn. Bấy lâu nay, chúng ta luôn nói đến công nghệ 4.0, đến ngân hàng số, mua sắm online, hạn chế dùng tiền mặt… Chúng ta nghĩ đó là xu hướng nhưng trên thực tế vẫn còn được triển khai chậm chạp. Trong đợt dịch Covid-19 lần này, các xu hướng đó đang được thúc đẩy mạnh mẽ.
Thói quen tiêu dùng, làm việc cũng sẽ thay đổi. Những công việc có thể làm tại nhà hiện giờ đang được làm tại nhà (kiến trúc sư, lập trình viên, kế toán, biên dịch…). Những cuộc họp offline không cần thiết bị bãi bỏ. Thói quen chi tiêu tiền mặt, ngày nào cũng mua sắm bị thay đổi. Khi thói quen làm việc, tiêu dùng của người dân thay đổi, đương nhiên, phương thức kinh doanh cũng phải thay đổi theo.
Có nghĩa là trong nguy hiểm dịch bệnh, ông đang thấy Việt Nam có những cơ hội mới?
Đỗ Cao Bảo: Thực ra, thiệt hại kinh tế luôn nhiều hơn là cơ hội. Chỉ là chúng ta vẫn phải tranh thủ cơ hội nhỏ để giải quyết phần nào khó khăn.
Chúng ta sẽ có một số cơ hội như thúc đẩy làm việc, họp hành qua online, tránh ra đường khi không cần thiết, cắt giảm thủ tục hành chính, tiết kiệm chi phí trong lao động, sản xuất…. Đây cũng là cơ hội để lĩnh vực công nghệ, mua sắm online… phát triển mạnh mẽ hơn. Mỗi nhóm ngành cũng sẽ phải tính đến các bước đi dài hơi, hạn chế sự phụ thuộc vào Trung Quốc.
Ngoài ra, nếu nước ta chống dịch tốt, lao động Việt Nam có thể nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Một người bạn - chủ một doanh nghiệp Singapore nói rằng, khách hàng lớn ở Indonesia của họ yêu cầu, nếu cử chuyên gia sang Indonesia thì nên cử người Việt Nam, họ không nhận chuyên gia Singapore và Hàn Quốc (vì lý do Việt Nam có số người mắc Covid-19 ít hơn)… Đây là cơ hội tốt để nước ta kiếm ngoại tệ nhờ cung cấp dịch vụ lao động cho các nước chưa có dịch lan rộng. Nếu chúng ta làm tốt, chúng ta có thể mở rộng và duy trì mối quan hệ hợp tác lâu dài sau khi dịch kết thúc.
Tất nhiên, mọi cơ hội đều đặt trong trường hợp Việt Nam chống dịch tốt còn nếu không, mọi giả thuyết có thể sẽ không còn đúng.
Nếu dịch vẫn còn kéo dài thì theo ông, kịch bản kinh tế Việt Nam sẽ thế nào?
Đỗ Cao Bảo: Sẽ có 2 kịch bản, một là Việt Nam vẫn giữ được số người nhiễm bệnh ở mức thấp thì trong nước lúc đó, việc sản xuất đáp ứng nhu cầu nhu yếu phẩm và xuất khẩu ra nước ngoài vẫn ổn.
Kịch bản xấu hơn là khả năng lây lan rộng, khi đó, kinh tế sẽ vấp phải vô vàn khó khăn. Chẳng những buôn bán, giao thương với nước ngoài gặp khó mà ngay cả việc sản xuất – tiêu dùng trong nước cũng lao đao.
Bài: Trương Thu Hường
Ảnh: Vũ Khánh Thành
Thiết kế: Hương Xuân
Nhận xét
Đăng nhận xét