ĐẠI THI SĨ VN NỔI TIẾNG: HÀN MẶC TỬ
Có thể nói trong lĩnh vực thơ ca ít có thi sĩ nào được nhắc nhiều qua các bài thơ, bài viết, nhạc... như thi sĩ Hàn Mặc Tử. Cuộc đời đày sóng gió rồi mang căn bịnh hiểm nghèo, ra đi sớm đã gây tiếc thương cho nhiều người Việt. Người Việt Nam chắc không ai không biết đến thi sĩ Hàn này và nhiều người còn thuộc rất nhiều bài thơ của ông, đặc biệt là thơ ví von về TRĂNG phải nói là tuyệt vời nhất trong làng thi sĩ Việt. Ông được mệnh danh là "sư phụ" về thơ lãng mạn của VN, một "Baudelaire" (thi sĩ Pháp nổi tiếng về dòng thơ lãng mạn thân phận) phương Đông. Ông sáng tác rất nhiều bài thơ, thưở còn đi học một trong những bài tôi thích nhất là "Bẽn lẽn":
Trăng nằm sóng soải trên cành liễu
Đợi gió đông về để lả lơi
Hoa lá ngây tình không muốn động
Lòng em hồi hộp, chị Hằng ơi
Trong khóm vi lau rào rạt mãi
Tiếng lòng ai nói? Sao im đi?
Ô kìa, bóng nguyệt trần truồng tắm
Lộ cái khuôn vàng dưới đáy khe
Vô tình để gió hôn lên má
Bẽn lẽn làm sao lúc nửa đêm
Em sợ lang quân em biết được
Nghi ngờ tới cái tiết trinh em
Sau đây mời quý vị tìm hiểu thêm về đại thi sĩ Hàn Mặc Tử:
Hàn Mặc Tử hay Hàn Mạc Tử (tên thật là Nguyễn Trọng Trí, sinh năm 1912 – mất 11 tháng 11 năm 1940) là nhà thơ nổi tiếng, khởi đầu cho dòng thơ lãng mạn hiện đại Việt Nam, là người khởi xướng ra trường thơ "Loạn"
Sinh ở làng Lệ Mỹ, Đồng Hới, Quảng Bình; lớn lên ở Quy Nhơn, tỉnh Bình Định trong gia đình theo đạo Công giáo, ông được rửa tội tại Nhà thờ Tam Tòa với tên thánh là Phanxicô. Tổ tiên Hàn Mặc Tử gốc họ Phạm ở Thanh Hóa. Ông cố là Phạm Chương vì liên quan đến quốc sự, gia đình bị truy nã, nên người con trai là Phạm Bồi phải di chuyển vào Thừa Thiên – Huế đổi họ Nguyễn theo mẫu tánh. Sinh ra ông Nguyễn Văn Toản lấy vợ là Nguyễn Thị Duy (con cụ Nguyễn Long, ngự y có danh thời vua Tự Đức), sinh hạ được 8 người con:
Bí mật cuộc tình Hàn Mạc Tử: Lý do Mộng Cầm không cho ông "gần đàn bà" trước khi chết
Mộng Cầm quá thương Hàn Mặc Tử và bà biết, người bị bệnh phong gần đàn bà sẽ mau chết, vì thế cố tránh để Hàn Mặc Tử sớm bình phục.
Người ta chỉ mới được biết về mối tình lãng mạn của Mộng Cầm - Hàn Mặc Tử qua sách báo. Nhưng bên cạnh mối tình đẹp như mơ ấy, còn có một đời thường với rất nhiều bí ẩn.
Bà Mộng Cầm, tên thật là Huỳnh Thị Nghệ, chính là người thiếu nữ trong mộng ngày xưa của Hàn Mặc Tử. Quê Mộng Cầm ở Phan Thiết, gần lầu Ông Hoàng nhưng thân sinh bà lại ra làm việc tận Nghệ An. Và ngày 17/7/1917, bà được sinh ra ở đó nên mới có tên "cúng cơm" là Huỳnh Thị Nghệ. Sau đó bà được gửi về trọ ở nhà ông cậu ở Phan Thiết học trường Pline Exercices. Mộng Cầm là cháu gọi nhà thơ Bích Khê bằng cậu nên bà cũng có "máu thơ văn".
Tên Mộng Cầm xuất hiện từ khi bà làm thơ gửi đăng báo. Qua những vần thơ trên báo, Hàn Mạc Tử đã tìm đến làm quen, bày tỏ tình cảm với bà qua bài "Muôn năm sầu thảm", với câu mở đầu "Nghệ hỡi Nghệ"… Bài thơ ấy, bà Mộng Cầm vẫn thuộc nằm lòng từ đó đến nay. Hàn Mặc Tử là tình yêu đầu đời của bà.
Vào một mùa hè, Hàn Mặc Tử từ Quy Nhơn vào Phan Thiết thăm Mộng Cầm. Ông hỏi ở đâu có cảnh đẹp thì đưa ông đi thăm cho biết. Mộng Cầm đã đưa Hàn Mặc Tử lên lầu Ông Hoàng. Đó là một ngọn đồi thấp, lên đó vào những đêm trăng tỏ, có thể nhìn thấy Mũi Né và thị xã Phan Thiết mờ ảo, lấp lánh đèn hiệu hay đèn ghe chài như những viên kim cương khổng lồ. Không ngờ rằng đây lại là lần đi chơi sau cùng của hai người. Hàn Mạc Tử ra Huế, sau đó vào Quy Nhơn, điều trị bệnh phong ở bệnh viện phong Quy Hòa, và mất ở đó.
Mối tình của Hàn Mặc Tử và Mộng Cầm chẳng đi đến đâu. Bà bộc bạch, có thể do bà là con nhà phong kiến, cha mẹ luôn cản trở bà lấy một người Công giáo, lại là văn nhân, thi sĩ. Nhưng quan trọng hơn là lúc ấy bà quá thương Hàn Mặc Tử. Theo bà hiểu thì người bị bệnh phong gần đàn bà sẽ rất mau chết. Vì vậy, bà cố tránh để Hàn Mặc Tử mau chóng bình phục, sau đó sẽ liệu lần với cha mẹ. Nhưng tiếc là Hàn Mặc Tử không qua khỏi…
Nhiều người đọc những vần thơ hai người viết cho nhau rất thắm thiết, nhưng thật sự cho đến lúc Hàn Mặc Tử mất, giữa Mộng Cầm và Hàn Mặc Tử không hề có chuyện gần gũi. Thời ấy, mới cầm tay nhau là đã run lắm rồi. Sau này nhớ lại những kỷ niệm với cố nhân, Mộng Cầm có bài thơ "Kỷ niệm Hàn Mặc Tử ở lầu Ông Hoàng", một bài thơ chưa bao giờ phổ biến, được bà chép tay.
Sau khi Hàn Mặc Tử mất, bà Mộng Cầm lập gia đình và sinh được 7 người con. Người bạn đời của bà cũng biết rõ mối quan hệ của bà với Hàn Mặc Tử nhưng vẫn tôn trọng nhà thơ quá cố. Ngày 23/7/2007, bà Mộng Cầm qua đời tại số nhà số 300, Trần Hưng Đạo, Phan Thiết. Theo lời trăng trối của bà Mộng Cầm, cô con gái đã mai táng bà trên lưng đồi lầu Ông Hoàng. Và lầu Ông Hoàng từ lâu đã đi vào tâm thức bao thế hệ khi nghe những bài hát về mối tình lãng mạn này, như Hàn Mặc Tử, Mộng Cầm Ca… và cả bài ca vọng cổ Tâm sự Mộng Cầm.
Hàn Mặc Tử có mối tình đầu với một cô gái Huế tên là Hoàng Cúc. Thân sinh của Hoàng Cúc làm quan chức trong Sở Đạc điền ở Quy Nhơn. Sau khi biết Hàn Mặc Tử theo đuổi con gái mình, do không thích văn nhân, thi sĩ nên ông đã tìm cách đưa Hoàng Cúc về Huế. Thế là Hàn Mặc Tử ra Huế tìm và sau đó có bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ. Bài thơ này tuyệt hay nhưng Mộng Cầm lại ghét cay, ghét đắng....
Ngoài Hoàng Cúc và Mộng Cầm ra, Hàn Mặc Tử còn có hai người tình nữa là Mai Đình nữ sĩ và Ngọc Sương, chị gái của thi sĩ Bích Khê. Mối tình của Mai Đình nữ sĩ không sâu đậm, chỉ là "tình văn chương", còn với Ngọc Sương thì như ngọn gió mát thoảng qua đời Hàn mà thôi.
Đánh giá và bình luận về tài thơ của Hàn Mặc Tử có rất nhiều, sau đây là một số đánh giá của các nhà thơ, văn nổi tiếng:
"Trước không có ai, sau không có ai, Hàn Mặc Tử như một ngôi sao chổi xoẹt qua bầu trời Việt Nam với cái đuôi chói lòa rực rỡ của mình"
"Tôi xin hứa hẹn với các người rằng, mai sau, những cái tầm thường, mực thước kia sẽ biến tan đi, và còn lại của cái thời kỳ này, chút gì đáng kể đó là Hàn Mạc Tử."(Nhà thơ Chế Lan Viên)
"Sẽ không thể giải thích được đầy đủ hiện tượng Hàn Mặc Tử nếu chỉ vận dụng thi pháp của chủ nghĩa lãng mạn và ảnh hưởng của Kinh thánh. Chúng ta cần nghiên cứu thêm lý luận của chủ nghĩa tượng trưng và chủ nghĩa siêu thực. Trong những bài thơ siêu thực của Hàn Mặc Tử, người ta không phân biệt được hư và thực, sắc và không, thế gian và xuất thế gian, cái hữu hình và cái vô hình, nội tâm và ngoại giới, chủ thể và khách thể, thế giới cảm xúc và phi cảm xúc. Mọi giác quan bị trộn lẫn, mọi lôgic bình thường trong tư duy và ngôn ngữ, trong ngữ pháp và thi pháp bị đảo lộn bất ngờ. Nhà thơ đã có những so sánh ví von, những đối chiếu kết hợp lạ kỳ, tạo nên sự độc đáo đầy kinh ngạc và kinh dị đối với người đọc."(Nhà phê bình văn học Phan Cự Đệ)
"Hàn Mặc Tử có khoảng bảy bài hay, trong đó có bốn bài đạt đến độ toàn bích. Còn lại là những câu thơ thiên tài. Những câu thơ này, phi Hàn Mặc Tử, không ai có thể viết nổi. Tiếc là những câu thơ ấy lại nằm trong những bài thơ còn rất nhiều xộc xệch..."(Nhà thơ Trần Đăng Khoa)
"...Theo tôi thơ đời Hàn Mặc Tử sẽ còn lại nhiều. Ông là người rất có tài, đóng góp xứng đáng vào thơ mới."(Nhà thơ Huy Cận)
"...Một nguồn thơ rào rạt và lạ lùng..." và "Vườn thơ Hàn rộng không bờ không bến càng đi xa càng ớn lạnh..."(Nhà phê bình văn học Hoài Thanh)
Viết về đại thi sĩ này sẽ còn rất nhiều, không thể viết hết trong khuôn khổ bài này.
Mời nghe bài hát "Hàn Mặc Tử":
https://youtu.be/Jjb-H28oa-8
Mộ Hàn Mạc Tử ở Ghềnh Ráng, Quy Nhơn
(Tổng Hợp)
Nhận xét
Đăng nhận xét