MƯỜI LOẠI TRÁI NGON VÀ HIẾM NHẤT THẾ GIỚI
Việt Nam vinh dự sở hữu 3 trong 10 loại quả hiếm nhất thế giới
Trong danh sách 10 loại trái cây được bình chọn là ngon và hiếm nhất thế giới, thì có tới 5 loại quả xuất hiện ở Việt Nam nhưng trong đó có 3 loại quả có nguồn gốc từ vùng Đông Nam Á và được trồng ở nước ta từ lâu đời. Đố bạn biết đó là những quả nào?
10. Cupuacu
Cupuacu hay có tên khoa học là Theobroma grandiflorum, được tìm thấy chủ yếu trong rừng nhiệt đới hoang dã Amazon. Ngoài ra, thứ quả này cũng được trồng ở Peru. Cupuacu có kích thước bằng một quả dưa hấu nhỏ, vỏ khá dày. Khi chín, ruột quả có màu vàng gần như màu múi mít chín, thơm vị cacao. Chính vì mùi thơm đặc trưng này, người Brazil thường dùng Cupuacu trong sản xuất socola.
Cupuacu là loại trái cây rất giàu các vitamin B1, B2 và B3. Bên cạnh đó, thứ quả này còn có khả năng kích thích hệ thống miễn dịch và phòng tránh nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Đặc biệt, nồng độ chất chống oxy hóa có trong bột quả khá cao giúp bảo vệ các mô của cơ thể.
9. Cherimoya
Quả Cherimoya thuộc họ Na, có nguồn gốc từ dãy núi Andes giữa Argentina và Chile. Cherimoya là một trong những trái cây hiếm, được trồng chủ yếu ở Nam Mỹ. Quả xanh có hình dạng hình bầu dục và nặng khoảng 500 gram. Cơm quả Cherimoya mềm ngọt, có vị lai giữa dứa và chuối.
Cherimoya chứa nhiều vitamin, chất chống oxy hóa và khoáng chất tốt cho cơ thể. Trong y học, quả Cherimoya dùng để loại bỏ các yếu tố độc hại có trong cơ thể bệnh nhân. Ngoài ra, nó cũng giúp điều chỉnh huyết áp và cân bằng tốt nhịp tim.
8. Măng Cụt
Măng Cụt là một loại quả nhiệt đới, thuộc họ bứa, có nguồn gốc ở Mã Lai và là một loại trái cây phổ biến ở Đông Nam Á. Tại Việt Nam có những vườn măng cụt cả trăm năm tuổi vẫn được người dân Lái Thiêu (Bình Dương) bảo tồn. Măng Cụt khi chín vỏ màu đỏ sẫm, dày cứng, phía dưới có lá đài, phía đỉnh có đầu nhụy. Trong quả trung bình có 6 hạt, quanh hạt có áo hạt ăn được, vị chua ngọt thanh thanh, hương thơm nhẹ.
Quả Măng Cụt chứa hàm lượng xanthone cao nhất, có tác dụng chống viêm và vi khuẩn, ngăn ngừa ung thư. Dược tính có trong thứ quả này còn được ứng dụng trong việc phòng ngừa nhiều bệnh khác như tim mạch, tiểu đường, tiêu chảy, các vấn đề tiết niệu và kích thích hệ thống miễn dịch.
7. Trái cây Miracle
Trái cây Miracle hay còn được gọi là trái cây kì diệu. Loại trái cây này màu đỏ, có nguồn gốc ở rừng nhiệt đới Tây Phi. Thành phần miraculin (glycoprotein) trong quả Miracle có thể biến đổi mọi hương vị thức ăn từ chua, chát, đắng thành ngọt. Trong khi đó, vị của quả Miracle ngọt, chua, đắng lẫn lộn như mùi vị của trái Nam việt quất.
Trong lĩnh vực y tế, các bác sĩ sử dụng hiệu ứng ngọt của thứ quả này lấp vị kim loại trong miệng của bệnh nhân ung thư do hóa trị liệu đồng thời kích thích vị giác của họ. Ngoài ra, nó cũng là một món thay thế đường cho bệnh nhân tiểu đường hoặc những ai ăn kiêng. Ở Việt Nam loại quả này được gọi là trái thần kỳ, đã du nhập và được nhân giống khoảng chục năm trở lại đây.
6. Sầu Riêng
Sầu Riêng theo mùa được mệnh danh là “vua của các loại trái cây” trên khắp các nước Nam Á. Loại quả này có nguồn gốc từ Indonesia và Malaysia, còn tại Việt Nam nổi tiếng nhất là vùng Cái Mơn, Bến Tre. Sầu Riêng có vỏ dày với lớp gai nhọn, khi chín cơm quả màu vàng tươi, mùi nồng đặc trưng. Tuy nhiên vì quá nồng, loại quả này bị các quốc gia Singapore, Thái Lan, Trung Quốc và Nhật Bản cấm mang đến những khu vực công cộng.
Sầu Riêng được đánh giá là một loại trái cây giàu dinh dưỡng với hàm lượng kali, sắt đồng,… và các loại vitamin đáng kể. Nó giúp kiểm soát huyết áp, điều hòa nhịp tim và đặc biệt là ngăn ngừa lão hóa. Ngoài ra, Sầu Riêng còn được thưởng thức như một loại thực phẩm giải khát tức thời nhờ các loại đường đơn giản.
5. Dưa chuột có sừng Châu Phi
Dưa chuột có sừng châu Phi hay còn gọi là Kiwano, được liệt vào danh sách các loại trái cây lâu đời nhất thế giới. Theo ghi chép, loại quả này đã có mặt 3000 năm trước tại châu Phi, phát triển chủ yếu ở Nam Phi, California (Mỹ) và New Zealand. Có biệt danh là “dưa có sừng” bởi loại quả khi chín có vỏ màu vàng, mọc nhiều sừng lởm chởm trong khi ruột dưa có màu xanh với vị chát. Vị của loại trái cây này được cho là sự kết hợp của chanh, chuối và dưa chuột.
Trong thực tế, loại dưa này được coi là thức ăn truyền thống, đảm bảo an ninh lương thực ở châu Phi. Nước ép của nó có tác dụng làm giảm nồng độ axit và bệnh chàm trong cơ thể. Ngoài ra, ăn nhiều dưa chuột cũng giúp lợi tiểu, giải quyết vấn đề tiết niệu và điều chỉnh huyết áp.
4. Nho Thân Gỗ
Nho Thân Gỗ tên khoa học là Plinia cauliflora hay Jabuticaba, được tìm thấy ở các nước Nam Mỹ như Brazil, Paraguay và Argentina. Thay vì mọc trên giàn leo, quả nho mọc thẳng trên thân cây gỗ. Ban đầu quả có màu xanh rồi chuyển sang màu hồng và khi chín có màu tím mọng nước. Lớp thịt bên trong Nho Thân Gỗ màu trắng, rất thơm và ngọt.
Loại trái cây này được sử dụng chủ yếu trong các sản phẩm nướng, mứt và rượu vang. Nó cũng có thể chữa lành các bệnh như tiêu chảy và bệnh hen suyễn. Các nhà khoa học cho rằng Nho Thân Gỗ có thể chữa được một số bệnh ung thư và họ đang tiếp tục tiến hành nghiên cứu kĩ hơn về dược tính của loại quả đặc biệt này.
3. Tầm Bóp
Tầm Bóp còn gọi là cây Lồng Đèn hay cây Thù Lù Canh, thuộc họ Cà (Solanaceae) và có nguồn gốc từ vùng nhiệt đới châu Mỹ, sau trở thành liên nhiệt đới. Tại Việt Nam, không biết du nhập từ bao giờ nhưng thấy mọc hoang khắp nơi, ở trên các bờ ruộng, bãi cỏ, đất hoang hay ven đường làng quê…
Kích thước quả nhỏ hơn cà chua, da mọng tròn, nhẵn, được bao trùm bởi lớp vỏ trong, có gân. Tầm Bóp có vị đắng, tính mát và không độc. Đây là một trong những loại quả mang nhiều dược tính thiện, được sử dụng như một loại thảo mộc đặc biệt trong một số bài thuốc cổ truyền. Tính bình, mát của quả có tác dụng thanh nhiệt, tiêu đờm, chủ trị các chứng bệnh như cảm sốt. Thường xuyên ăn Tầm Bóp cũng kích thích hệ thống miễn dịch của bạn.
2. Chôm Chôm
Trái Chôm Chôm có nguồn gốc từ khu vực Đông Nam Á, được người dân Malaysia đặt tên là Rambut (nghĩa là sợi lông). Quả Chôm Chôm khi chín lớp vỏ có màu vàng cam, đỏ tùy theo loại. Thịt quả màu trắng, vị ngọt ngào và pha lẫn chút chua. Cây Chôm Chôm thích ứng ở vùng đất không ngập nước nên tại Việt Nam, Chôm Chôm được trồng chủ yếu ở các tỉnh thuộc lưu vực sông Đồng Nai, nam Trung Bộ và đồng bằng sông Cửu Long.
Theo nhiều nghiên cứu gần đây, Chôm Chôm rất giàu vitamin C, đồng, mangan và các nguyên tố khoáng vi lượng như kali, calcium, sắt… Đặc biệt, Chôm Chôm có tác dụng phòng ngừa bệnh tim mạch, chống mệt mỏi, giảm đau, bệnh về nướu. Ngoài ra, chất xơ có trong loại quả này giúp cơ thể dễ dàng loại bỏ chất thải, ngăn ngừa viêm ruột thừa, sỏi thận, trĩ và ung thư ruột già…
1. Quả Ackee
Ackee là một trong những loại trái cây quý hiếm nhất thế giới, có nguồn gốc từ vùng nhiệt đới Tây châu Phi. Ackee thuộc họ Sapindaceae (họ bồ hòn) đồng thời là loại quả quốc gia của Jamaica. Quả Ackee khi chín thường chuyển từ màu xanh sang màu vàng cam rồi nứt ra để lộ ba hạt đen lớn, bóng bẩy bao bọc bởi lớp thịt mềm mịn, xốp, có màu trắng hoặc vàng. Ở các nước châu Phi, Ackee được sử dụng để ăn kèm với các món rau.
Loại quả này có tác dụng loại bỏ cholesterol và acid béo nên được các nàng yêu chuộng như một loại thực phẩm giảm cân. Tuy nhiên, hạt Ackee lại chứa chất độc hypoflycin và đây cũng là lí do tại sao Hoa Kỳ cấm nhập khẩu các loại trái Ackee.
Nhận xét
Đăng nhận xét