NÓI VỀ CÀ PHÊ CHỒN NỔI TIẾNG

Trong chúng ta chắc ai cũng biết hoặc nghe nói ít nhiều về cà phê chồn, cũng có rất nhiều câu chuyện lý thú xung quanh loại cà phê dành cho giới thượng lưu này. Mời quý vị đọc bài viết sau để bổ sung thêm kiến thức về loại cà phê nổi tiếng này:

Cafe chồn ngon và đắt nhất thế giới nhưng nghe xong câu chuyện tàn nhẫn này, bạn có còn muốn uống nữa không?

Bạn có biết rằng cafe chồn đích thực là được làm ra từ phân chồn? Nhưng câu chuyện sau đó còn bi kịch hơn thế nhiều.

Có lẽ ít nhiều gì chúng ta cũng từng nghe đến cụm từ "cafe chồn". Đây vốn là một thứ đồ uống đặc biệt, được xếp vào hàng "xa xỉ phẩm" hiếm có trên thế giới.

Cafe chồn xuất hiện lần đầu tại Indonesia, với tên gọi là Kopi Luwak. Qua thời gian, nhiều quốc gia trên thế giới cũng nắm được phương thức tạo cafe chồn cho riêng mình, tạo nên một ngành công nghiệp mang lại lợi nhuận khổng lồ. Ước tính, 1kg cafe chồn trên thị trường có thể có giá lên tới $1000 (tương đương gần 23 triệu đồng).

Nhưng nguồn gốc của cafe chồn là từ cái gì? Chắc nhiều người cũng biết rằng tên gọi khác của loại cafe này là "cafe phân chồn", và cái tên ấy nói lên tất cả. Hạt cafe chồn chính xác được lấy ra từ phân của loài chồn, mà cụ thể ở đây là loài chồn vòi đốm - hay chồn hương.



Cụ thể thì loài chồn khi ăn quả cafe, hạt sẽ đi qua dạ dày và bị các enzyme trong ruột tác động. Các enzyme chỉ đủ để bào mòn lớp vỏ bên ngoài hạt và làm lên men, thấm nhẹ vào nhân cafe, sau đó hạt được thải ra qua đường bài tiết, hay dân dã hơn là khi con chồn... đi "nặng".

Con người Indonesia phát hiện ra loại cafe chồn từ thời kỳ quốc gia này còn đang bị thực dân Hà Lan đô hộ. Khi đó, nông dân bản địa đã bị cấm tuyệt đối không được khai thác cafe vì mục đích cá nhân. Hệ quả, cafe rụng đầy đường mà chẳng ai dám làm gì.



Nhưng rồi sau đó, họ nhận ra những con chồn vòi đốm khi ăn cafe sẽ không tiêu hóa được hạt. Và nếu lấy hạt này để chế biến sẽ tạo ra một loại đồ uống thơm ngon hơn hẳn cafe bình thường.



Với những người không biết thì sẽ thấy ghê sợ. Rõ ràng, vì nó chẳng khác gì bạn đang uống một đống... chất thải của chồn cả. Tuy nhiên, số cafe này sẽ phải trải qua quy trình xử lý cực kỳ nghiêm ngặt, loại bỏ hoàn toàn các yếu tố gây mất vệ sinh. Kèm theo đó là quá trình rang xay với kỹ thuật riêng, sẽ tạo ra cafe chồn với hương vị "độc nhất vô nhị".



Chỉ có điều câu chuyện đằng sau đó có thể khiến bạn nghĩ lại

Loài chồn hương khá kén ăn, và không phải lúc nào chúng cũng ăn quả cafe. Hơn nữa, loài chồn này khá nhỏ, chỉ xuất hiện vào ban đêm, đồng thời nơi sinh sống lại ở trong rừng rậm.

Thế nên rõ ràng, việc sản xuất cafe theo hứng của lũ chồn không phải là cách để biến nó thành một ngành công nghiệp xa xỉ như ngày nay được.



Đúng như bản chất của kinh doanh, con người phải tìm ra cách tối ưu nhất, và đó là việc bắt nhốt lũ chồn, cho chúng ăn theo thực đơn của con người, nhằm tối đa hóa hiệu quả sản xuất.

Lũ chồn bị nhốt trong các chuồng nhỏ, chỉ có độc một món là quả cafe trong suốt cả ngày. Vốn là loài vật hoang dã, chỉ quen xuất hiện vào ban đêm, điều này đã gây ra hậu quả xấu với sức khỏe và đặc biệt là tâm lý của chúng. Một số tỏ ra hung dữ, cắn xé lẫn nhau, tự hoại. Nhiều con chết vì mất máu, số khác bị mất cân bằng dinh dưỡng trầm trọng.



Chồn luôn trong trạng thái căng thẳng, dễ tự làm tổn thương

Các trang trại uy tín, họ có cách để đảm bảo tình trạng sức khỏe cho chồn. Nhưng với nhiều cơ sở sản xuất tự phát, điều kiện chăm sóc chồn cũng cực kỳ đơn sơ và không đảm bảo. Sau vài năm, những con chồn năng suất kém sẽ được trả lại tự nhiên.

Tưởng như là sự giải thoát, nhưng không, vì hầu hết sẽ chết do sức khỏe đã bị bào mòn sau những năm tháng bị bóc lột.

(Tham khảo: PETA)

Mùi vị

Trên thực tế chất lượng hạt cà phê sau khi qua dạ dày loài cầy vòi hương có thay đổi nhưng không nhiều. Nhìn chung vẫn giữ lại một phần hương vị cà phê nguyên chất, nếu chịu khó cảm nhận bạn có thể nếm được vị bùi bùi, dìu dịu vừa ngai ngái, phảng phất mùi của khói và hương vị sô cô la. Nhiều người uống loại cà phê này không chỉ vì hương vị mà còn vì đẳng cấp của nó.

Diễn viên người Anh John Cleese đã tả rằng: "nó vừa có vị bùi bùi của đất, lại ngai ngái như bị mốc, vừa dìu dịu, lại giống như nước siro, đậm đà như mang theo âm hưởng của rừng già và của sôcôla."

Giá cả và thị trường

Đối với những người sành cà phê thì Kopi Luwak của Indonesia ngon hơn và giá thành do vậy cũng cao hơn. Một kg Kopi Luwak có giá thành khoảng 20 triệu VND (1300 USD) và mỗi năm cũng chỉ có khoảng 200 kg được bán trên thị trường thế giới. Trên thế giới chỉ một số nước sản xuất được loại cà phê này như Indonesia, Philippines, Ethiopia, Việt Nam... với số lượng rất hạn chế.Tại Việt Nam, loại cà phê này cũng được sản xuất tại Tây nguyên, thường được gọi là "cà phê chồn"Nguyên tắc sản xuất thì hoàn toàn giống như tại Indonesia.

Mặt khác, những người trong nghề khẳng định tính huyền thoại của cà phê chồn Việt Nam và xếp vào hạng đắt nhất thế giới.Thương hiệu Trung Nguyên đã sản xuất thương hiệu cà phê chồn riêng có tên Weasel Coffee Trung Nguyên, với đơn giá mỗi kg là 3.000 USD, cao hơn nhiều so với Kopi Luwak được rao dưới 600 USD một kg của Indonesia. Tại Đà Lạt cũng có một trang trại cà phê chồn organic với thương hiệu Cà Phê Chồn Trại Hầm Đà Lạt. Mỗi ký cà phê chồn tại đây được bán với giá 20 triệu/1 kg (1000 USD).

Lưu ý: Giá này cũng cách đây vài năm rồi có thể thay đổi tùy theo thị trường

(Sưu tầm từ Internet)


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

VỢ CHỒNG GIÀ BỎ CHÂU ÂU VỀ ĐÀ NẴNG HƯỞNG NHÀN

LOẠT ẢNH TUYỆT ĐẸP VỀ SÀI GÒN THẬP NIÊN 1960

KARAOKE MÀ KHÔNG CÓ "CÁI ĐÓ" LẤY GÌ ĂN?