QUẢ BOM CÓ SỨC MẠNH KHỦNG KHIẾP NHẤT THẾ GIỚI ĐÃ TỪNG ĐƯỢC THỬ
Sứ mệnh tự sát của Anh hùng Liên Xô: Thả bom H mạnh nhất lịch sử, chỉ có 50% cơ hội sống
Để nổ thử quả 'bom vua', Liên Xô cần một máy bay 'khủng' cùng người lái xứng danh Anh hùng Liên Xô.
Cả thế giới chấn động sau khoảnh khắc 'Gấu' khổng lồ Tupolev Tu-95 thả quả bom nhiệt hạch (bom H) RDS-220 từ độ cao 10.500m phía trên quần đảo Novaya Zemlya vùng Bắc Băng Dương.
Với sức mạnh tương đương 57 triệu tấn TNT, 'Big Ivan' - mật danh của quả bom RDS-220 mà Liên Xô chế tạo - trở thành vũ khí hạt nhân mạnh nhất từng được thử trong lịch sử nhân loại.
Cả Mỹ và NATO choáng váng! Họ gọi thứ vũ khí có khả năng hủy diệt khổng lồ ấy là 'Tsar Bomba' (Bom Sa Hoàng) hay 'Bom Vua'.
Đối với Liên Xô, 'Big Ivan' chính là lời đáp trả đanh thép của nước này trước những mối đe dọa đầy thách thức của Mỹ và Anh giữa thập niên 40 của thế kỷ trước. Chiến tranh Lạnh giữa Mỹ và Liên Xô vì thế cũng 'nóng' hơn bao giờ hết.
Trở thành 'bá vương hạt nhân' nhờ 'Big Ivan', người Liên Xô nhanh chóng vùi dập niềm kiêu hãnh mà Mỹ từng tạo dựng cách đó 16 năm sau sự kiện phát triển thành công quả bom nguyên tử đầu tiên trong lịch sử nhân loại (quả bom mang mật danh 'The Trinity' ngày 16/7/1945).
Cho đến nay, khi cuộc chiến dai dẳng kéo dài hơn 4 thập kỷ đã tàn canh, thì 'Big Ivan' vẫn là vũ khí hạt nhân mạnh nhất trong lịch sử quân sự của loài người.
Tháng 7/1961, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Nikita Sergeyevich Khrushchev tuyên bố, muốn khẳng định năng lực hạt nhân 'không thể làm ngơ' của Liên Xô trong mắt phương Tây bằng một vụ thử hạt nhân 'ngoạn mục chưa từng có trong lịch sử”.
Tính cho đến thời điểm đó, quả bom nhiệt hạch đầu tiên và lớn nhất mà Liên Xô đang có là quả RDS-37, nặng 3 tấn. Tuy nhiên, trước sự khiêu khích đầy toan tính của Mỹ và Anh, Khrushchev muốn một 'thứ gì đó khủng khiếp hơn thế', một loại bom hủy diệt cực lớn khiến cho quả bom nhiệt hạch mật danh 'Castle Bravo' trở thành 'tép riu'!
Trước sức ép về thời gian, nhóm 4 nhà khoa học vũ khí Liên Xô tài năng nhất bao gồm Victor Adamskii, Yuri Babaev, Yuri Smirnov và Yuri Trutnev được thành lập, chịu trách nhiệm thiết kế và sản xuất thứ bom hủy diệt khổng lồ.
15 tuần sau, 'Big Ivan' ra đời! Và đáp ứng được mọi yêu cầu của lãnh đạo Khrushchev: Quả bom nặng 27 tấn, dài 8m, đường kính 2,6m - hứa hẹn một vụ nổ gây chấn động thế giới, đè bẹp niềm kiêu hãnh hạt nhân bấy lâu của phương Tây.
Với trọng lượng khổng lồ, nặng gấp 9 lần quả bom H đầu tiên của Liên Xô, 'Big Ivan' đòi hỏi một loại máy bay chuyên dụng tương xứng. Và không loại máy bay nào phù hợp hơn Tupolev Tu-95 - 'Con gấu' khổng lồ (Tu-95 Bear Bomber) mà NATO đặt biệt danh cho loại máy bay ném bom & mang tên lửa chiến lược thành công nhất được Liên Xô chế tạo thời Chiến tranh Lạnh.
Cho đến nay, Tupolev Tu-95 vẫn là loại máy bay ném bom chiến lược sử dụng động cơ tuốc-bin cánh quạt duy nhất từng hoạt động. Ảnh: Nationalinterest
“Gấu” Tu-95 ra đời dựa trên yêu cầu mang tính thời cuộc của Liên Xô năm 1950 về một loại máy bay ném bom xuyên lục địa 4 động cơ, có khả năng chở trên 12 tấn bom, với tầm hoạt động 8.000km, có thể tấn công mọi mục tiêu chiến lược trên đất Mỹ.
Sau khi xuất xưởng chiếc đầu tiên năm 1952, Lầu Năm Góc không mấy coi trọng Tupolev Tu-95. Tuy nhiên, hàng loạt biến thể của nó (mà giới quân sự về sau gọi là biểu tượng của Chiến tranh Lạnh) khiến phương Tây phải nể phục và đặt biệt danh là 'Gấu'.
Trong đó, biến thể của nó là Tupolev Tu-95 'Bear A' chính là chiếc máy bay đã mang quả bom nặng 27 tấn 'Big Ivan' đến bãi thử trên không của quần đảo Novaya Zemlya vùng Bắc Băng Dương ngày 30/10/1961.
Nặng 90 tấn, chiều dài gần 50m với kích thước sải cánh là 50,5m cùng tốc độ tối đa đạt 920km/h, Tu-95 'Bear A' được giới quân sự Liên Xô tin tưởng giao cho nhiệm vụ là 'người vận chuyển' của 'Big Ivan'.
Tu-95 'Bear A' mang trong mình quả bom Sa Hoàng nặng 27 tấn. Ảnh: Thisdayinaviation
Máy bay chuyên ném bom đã có.
Người vinh dự nhận sứ mệnh gây chấn động thời Chiến tranh Lạnh này chính là Thiếu tá Không quân Liên Xô Andrei E. Durnovtsev, nắm vai trò chỉ huy của Tu-95 'Bear A'.
Sáng ngày 30/10/1961, Thiếu tá Andrei E. Durnovtsev và phi đội của mình cất cánh từ một sân bay trên Bán đảo Kola, tiến đến khu vực thử hạt nhân của Liên Xô phía trên Vòng Bắc Cực tại Vịnh Mityushikha, nằm trong quần đảo Novaya Zemlya.
Để hạn chế tác động từ quả bom, các nhà khoa học Liên Xô đã thiết kế cho 'Big Ivan' một hệ thống dù 5 tầng để làm chậm tốc độ rơi của quả bom. Việc làm này giúp cho phi đội của Durnovtsev có đủ thời gian bay đến khoảng cách an toàn tính từ vị trí thả bom trên không. Khoảng cách yêu cầu là 45km.
Thiếu tá Andrei E. Durnovtsev cùng đội của mình thả quả bom nặng 27 tấn 'Big Ivan' ở độ cao cách mặt đất 10.500m.
Sau khi rơi khỏi máy bay 188 giây, ở độ cao 4.000m, 'Big Ivan' phát nổ! Sức mạnh khủng khiếp của nó nằm ngoài cả dự kiến của chính các 'cha đẻ Big Ivan'.
Sau khi rơi khỏi máy bay 188 giây, ở độ cao 4.000m, 'Big Ivan' phát nổ! Nguồn: Thisdayinaviation
Khoan bàn đến sức mạnh hủy diệt của quả bom có đương lượng nổ bằng 57 triệu tấn TNT, trong thời khắc khủng khiếp nhất trong lịch sử quân sự đó, phi công Andrei E. Durnovtsev và phi đội bay phải đối mặt với 'tử thần' như thế nào?
Trước khi đảm nhận sứ mệnh có 1-0-2 trong lịch sử Liên Xô này, phi đội của Thiếu tá Andrei E. Durnovtsev đã được báo trước rằng: Họ chỉ có 50% cơ hội sống sót sau thời điểm quả bom phát nổ!
Điều này khiến toàn đội đương nhiên hiểu được họ sắp thực hiện sứ mệnh tự sát.
'Khoảnh khắc sau khi bom phát nổ, 'Big Ivan' tạo nên một cột mây nấm khổng lồ cùng một biển ánh sáng nóng hàng nghìn độ C. Quả cầu lửa mạnh mẽ và kiêu ngạo tựa như Mộc tinh, thách thức mọi sự sống bao quanh nó. Sức mạnh đó dường như nuốt chửng cả Trái Đất vào lòng... Thực sự là một khoảnh khắc không thể nào quên!' - một trong phi công của Tu-95 'Bear A' về sau kể lại.
Vài gây sau khi 'Big Ivan' phát nổ, quả bom 27 tấn giải phóng một nguồn năng lượng hủy diệt khổng lồ. Sóng xung kích từ quả bom hất văng Tu-95 'Bear A' nặng gần 100 tấn ra xa, và cách mặt đất chỉ 1.000m!
Vụ nổ khiến Tu-95 'Bear A' chao đảo dữ dội khiến cho Thiếu tá Andrei E. Durnovtsev phải sử dụng hết sức mạnh và kinh nghiệm phi công để lấy lại tay lái cho 'Bear A'.
Sau giây phút đối mặt với tử thần, Thiếu tá 38 tuổi cùng phi đội của mình hét vang niềm vui chiến thắng. Họ không chỉ sống sót sau sứ mệnh chỉ có 50% cơ hội sống mà còn thực hiện thành công mong mỏi của giới lãnh đạo: Liên Xô sở hữu quả bom mạnh nhất trong lịch sử loài người.
Hẳn nhiên, sau nhiệm vụ quả cảm có 1-0-2 này, Andrei E. Durnovtsev được ghi nhận và vinh danh là Anh hùng Liên Xô, đồng thời nhận hàm Trung tá Không quân.
Chính người chỉ huy trưởng của Tu-95 'Bear A' đã biến thời khắc ngày 30/10/1961 trở thành mãi mãi trong lịch sử vũ khí thế giới. Cán cân trong lĩnh vực vũ khí hủy diệt thời Chiến tranh Lạnh nhờ thế mà nghiêng hẳn về phía Liên Xô.
Trong khoảnh khắc 'Big Ivan' phát nổ, máy bay do thám của Không quân Mỹ đã bí mật đo đạc sức mạnh của một vụ nổ trên không tại khu vực Bắc Băng Dương. Dữ liệu ngay lập tức được truyền về cho Hội đồng đánh giá vũ khí nước ngoài của Mỹ. Sau khi phân tích, quả bom mà Liên Xô cho nổ có sức mạnh vô cùng khủng khiếp, mạnh nhất trong tất cả các loại bom hạt nhân từng được thử tính cho đến năm 1961.
Quả cầu lửa sinh ra sau khoảnh khắc bom Sa Hoàng phát nổ có đường kính lên tới 8.000m! (Ảnh: Forbes)
Giờ là lúc nói đến sức mạnh hủy diệt khổng lồ của 'bom quái vật' Sa Hoàng (theo cách gọi của ) mà người Liên Xô từng thử thành công cách đây 57 năm.
Sở hữu sức mạnh của 57 triệu tấn TNT, quả bom H mang mật danh Sa Hoàng mà phương Tây đặt cho mạnh gấp hơn 3.000 lần quả bom 'The Little Boy' mà Mỹ ném xuống thành phố Hiroshima của Nhật Bản năm 1945.
Khoảnh khắc sau khi phát nổ, bom Sa Hoàng tạo nên quả cầu lửa có đường kính 8.000m cùng cột mây nấm cao 64.000m.
Sóng xung kích từ quả bom có thể quan sát được trong không khí ở khoảng cách cách vị trí nổ 700km. Thông tin vô tuyến đã bị gián đoạn trong hơn một giờ.
Tất cả các toàn nhà tại thị trấn đảo Severny (cách tâm nổ 55km) bị phá hủy hoàn toàn; Các tòa nhà bằng gỗ ở khoảng cách 200km thì hư hỏng nặng nề; 800km từ tâm nổ, tất cả ngôi nhà có cửa sổ bằng kính cũng bị vỡ vụn; Nhân chứng cách tâm nổ 1.000km cũng có thể quan sát được luồng sáng hủy diệt từ quả bom.
Sức nóng từ quả bom có thể gây bỏng cấp độ 3 trong bán kính 100km.
Điều thú vị hiếm thấy là, 'Big Ivan' là một trong những vũ khí hạt nhân 'sạch' nhất từng được kích nổ, bởi vì thiết kế của bom đã loại bỏ được 97% lượng bụi phóng xạ có thể xảy ra.
----
Gần 30 năm sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, 'Big Ivan' hay bom Sa Hoàng vẫn giữ kỷ lục của một 'bom vua': Là loại bom mạnh nhất từng được thử nghiệm trong lịch sử nhân loại.
Dưới góc độ nhân văn, cuộc chiến không đổ máu của hai cường quốc Liên Xô và Mỹ đã sản sinh ra nhiều anh hùng thời cuộc: Từ những cuộc phát kiến vũ trụ vĩ đại đến những sứ mệnh cảm tử có 1-0-2, lịch sử vẫn phải nhìn nhận và trân trọng những cống hiến to lớn mà họ đã thực hiện!
Thế Trung
Bài viết sử dụng nguồn: BBC, Air & Space Magazine, Nationalinterest
Nhận xét
Đăng nhận xét