NGƯỢC DÒNG LỊCH SỬ: SỰ THẬT VỀ ÂM MƯU GIẾT TỔNG THỐNG NGÔ ĐÌNH DIỆM

Có rất nhiều người Việt lớn tuổi và cả những người trẻ tuổi nghiên cứu về lịch sử đều thắc mắc đặt câu hỏi: Ai đã ra lịnh giết tổng thống đệ nhất cộng hòa miền Nam VN Ngô đình Diệm? Để tìm câu trả lời này có  nhiều tài liệu của hai phía viết về biến cố lịch sử này. Sau đây xin giới thiệu với quý vị tài liệu khá tin cậy dưới đây của một học giả sống trong thời ấy hiện đang ở nước ngoài và có rất nhiều người tin rằng nếu không có biến cố này, lịch sử miền Nam VN có thể bước sang một trang mới, thậm chí rất lâu sau cái ngày đảo chính ấy có  nhiều người miền Nam VN và cả người Mỹ trong cuộc đã hối hận vì đã tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp...



Tới bây giờ, nếu có ai nêu câu hỏi: "Ai ra lệnh giết ông Ngô Đình Diệm thì nhiều người cũng vẫn trả lời là: Mỹ ra lệnh giết, Cabot Lodge hay CIA ra lệnh giết chớ còn ai vào đó nữa ! Câu chuyện không đơn giản như thế !

Thế mà tới lúc này, vô số người Việt, cả người Mỹ nữa, vẫn không rõ về câu hỏi ở trên. Chính tôi đã gặp và đã thấy điều đó. Có thể những người này mắc lo công việc chuyên môn, ngành nghề của họ nên không để ý đến chuyện khác nữa chăng! Rồi đến những nhân vật kêu bằng " Chính trị gia hạng gộc của Mỹ " đã phán vô cùng tào lao, tầm bậy về cuộc chiến Việt Nam, mà phần lỗi, cái xấu cứ đổ hết lên đầu Quân Đội và Nhân Dân Nam Việt Nam, làm cho nhiều người Việt hiểu biết, có tâm hồn Việt Nam, không vì giầu sang, phú quý mà... ngậm miệng ăn tiền phải lên tiếng bằng những bài viết bằng tiếng Việt, tiếng Anh rồi đưa lên Internet cho cả thiên hạ cùng đọc, cùng chia sẻ nỗi buồn, niềm đau với mình. Như thế thì nói chi đến thế hệ trẻ Việt Nam đang sống ở nơi hải ngoại này, làm sao họ hiểu được! Muốn biết sự thật, chúng ta cần đi theo từng buớc của một tiến trình lịch sử (historic process).

1.- Cuộc đảo chánh thực sự bùng nổ :

* Ngày 1-11-1963, quân đảo chánh bao vây dinh Tổng Thống (là dinh Gia Long vì dinh Độc Lập đang sửa chữa). Lúc ban đầu, hai ông Diệm và Nhu vẫn còn yên trí rằng đây là "Kế hoạch chống đảo chánh" của ông Nhu và Tướng Tôn Thất Đính, Tư Lệnh Quân Đoàn 3 (Commander of the 3rd Army Corps) đã hoạch định trước đó để "dập luôn" âm mưu đảo chánh, đồng thời bắt hết Bộ Chỉ Huy của lực lượng này (Diem and Nhu at first believe the attack to be opening of a Countercoup engineered by Nhu and General Ton That Dinh, 3rd Army Corps Commander...). Thế nhưng vào phút chót, các Tướng đảo chánh đã liên lạc, thuyết phục Tướng Đính đồng thời "dúi nhẹ" cho Tướng Đính 1 mớ đô la, (đô la Mỹ, giá trị lớn của năm 1963 đó). Thế là xong! Tướng Đính thấy rằng tình thế đã đến nước này thì... lượm đô của Cabot Lodge lợi hơn, khôn hơn. Nếu chống lại thì bắt buộc con cáo già Cabot Lodge, bọn CIA và đám cầm đầu đảo chánh cũng phải bằng mọi cách, xoá sổ luôn cả mình mà thôi, dù cho Tướng Đính nắm quân rất mạnh và xưa nay Tướng Đính được coi là 1 Tướng gan lì, có nhiều tình cảm tốt đẹp với hai Ông Diệm va Nhu. Thế mới hay "Có tiền mua Tiên cũng được - A golden key opens all doors" là thế đó! Cabot Lodge khỏi cần dùng đến Binh Pháp Tôn Tử, Clausewitz, Thành Cát Tư Hãn, Napoléon... chi cả. Cứ sài binh pháp của Đại Danh Tướng Đô La là ăn chắc, đánh đâu thắng đó, thành quách nào cũng tan. Hai ông Diệm và Nhu hết còn trông cậy vào ai được nữa! Tứ bề thọ địch mất rồi! Hai ông đành tính chuyện thoát thân... Chừng gần 8 giờ 00 tối ngày 1-11-1963, ông Cao Xuân Vỹ, Tổng Giám Đốc Thanh Niên (được coi là can đảm, có nghĩa, có tình đối với ông Diệm) lái chiếc xe nhỏ Citroen 2 chevaux, theo lối cổng đường Pasteur, vào dinh Gia Long. Hướng này bỏ trống vì bên trong không còn sức kháng cự của Lữ Đoàn Liên Binh Phòng Vệ Phủ Tổng Thống nữa cho nên bên ngoài, quân đảo chánh không cần kiểm soát chặt chẽ, chỉ cần đợi ông Diệm tuyên bố đầu hàng hay tới giờ G, giờ H thì vô bắt mà thôi. Chủ quan thiệt ! Từ dưới đường hầm bí mật (lo xa từ trước rồi) dinh Gia Long, ông Diệm cùng ông Nhu lên xe do Cao Xuân Vỹ lái, có sĩ quan tuỳ viên, Đại Úy Đỗ Thọ xách cặp đựng giấy tờ, tài liệu đi theo. Cao Xuân Vỹ lái xe vào Chợ Lớn, tới nơi đặt trụ sở Tổng Nha Thanh Niên Cộng Hoà của Vỹ thì Trung Tá Phước, Phó Đô Trưởng Nội An, lấy xe Desoto đón 2 ông Diệm và Nhu, đem theo một vài vệ sĩ thân tín, chạy tới nhà Mã Tuyên, một Bang Trưởng người Hoa Kiều và là một Thủ Lãnh Thanh Niên Cộng Hoà, được Vỹ tin cậy. Qua đêm trời gần sáng, ông Diệm hỏi Mã Tuyên coi có nhà thờ công giáo nào ở gần đấy thì đưa ông tới. Đoàn tuỳ tùng đưa 2 ông Diệm và Nhu đến nhà thờ Cha Tam, là nhà thờ của đa số là người Hoa ở vùng này.

2- Ai ra lệnh giết ông Diệm ?

Nhiều người, kể cả người Mỹ cũng bảo " Mỹ, CIA, Cabot Lodge không ra lệnh giết thì Bố ai dám giết Ông Diệm!" Vậy mà không phải vậy! Tướng Trần Văn Đôn có lần nói: Tướng Minh ra lệnh giết ông Diệm bằng cách ra mật hiệu cho Đại Úy Nhung, cận vệ (bodyguard), tuy trong Hồi Ký viết bằng Việt Ngữ, Tướng Đôn nói là không biết. Trong Hồi Ký viết bằng Anh Ngữ và trong 1 cuộc phỏng vấn, Tướng Đôn lại quả quyết là Tướng Minh ra lệnh giết. Một số Tướng Lãnh (đã từng họp bàn đảo chánh với Cabot Lodge, tất nhiên có cả Tướng Dương Văn Minh, đã không đồng ý giết ông Diệm, chỉ đưa ông ấy ra khỏi Việt Nam thôi, để tránh hận thù, rắc rối to lớn cho cả 2 bên : Cabot Lodge và các Tướng). Sau này nhiều Tướng Lãnh hỏi thẳng Tướng Minh "Có phải Ông ra lệnh giết 2 Ông Diệm và Nhu không?" Tướng Minh trả lời lơ lửng: " Muốn hiểu sao thì hiểu! - Chuyện trước mắt không lo, sao cứ bới móc chuyện cũ ra để làm cái chi vậy!"… Theo Bà Ellen J. Hammer, người quen biết rất nhiều với các nhân vật quan trọng ở Miền Nam, trong cuốn "A Death in November ", có nói: Sau khi tình hình đã thay đổi nhiều trong liên hệ của các Tướng Lãnh, năm 1971 Tổng Thống Thiệu đã nói thẳng "Tướng Big Minh là người ra lệnh giết 2 Ông Diệm và Nhu vì lo sợ đường dài… ". Cựu Đại Tướng Nguyễn Khánh, hồi cuối năm 2001, tại Orange County, đã trả lời nữ Phóng Viên truyền hình Thanh Thúy về cái chết của hai Ông Diệm và Nhu: "Dương Văn Minh ra lệnh giết 2 ông này vì thù hận riêng tư..." Riêng kẻ viết bài này đã từng viết " Tướng Dương Văn Minh ra mật lệnh cho Tướng Mai Hữu Xuân (tay sai của Pháp) cầm đầu toán quân “đi bắt ông Diệm “và Đại Úy Nhung, cận vệ, phải chính tay giết cả 2 Ông Diệm và Nhu". Bây giờ ta coi tiếp:

Ông Kennedy có ra lệnh giết ông Diệm không? - Không ! Vì trước khi cuộc đảo chánh xẩy ra, ông Kennedy đã gửi điện văn khẩn cấp cho Cabot Lodge, ra lệnh liên lạc ngay với các Tướng đảo chánh hoãn cuộc đảo chánh lại kia mà ! (President Kennedy cables Lodge urgently to ask the Generals to postpone the coup...). Ông Diệm còn lãnh đạo miền Nam thì ông Kennedy còn hy vọng ngăn chặn cộng sản hữu hiệu tại vùng này theo chính sách ngăn chặn cộng sản (Containment Policy against the Communism) của Mỹ đã áp dụng trên toàn cầu, kể từ sau Thế Chiến thứ 2. Mất ông Diệm, ông Kennedy quả thực không tìm ra nhân vật nào khác ở miền Nam có khả năng lãnh đạo và chống cộng sản tốt hơn, giỏi hơn ông Diệm. Chẳng vậy mà khi nghe tin ông Diệm bị giết chết, ông Kennedy đã vô cùng sững sờ, hoảng hốt (President Kennedy is extremely shocked at the news of Diem’s death...). Ý chí bám víu gượng gạo vào cái "vũng lầy Việt Nam - the Vietnam Morass" của ông Kennedy đến đây kể như hoàn toàn rã rời.

Giết chết ông Diệm, nắm được chính quyền rồi thì đám Tướng Lãnh, Sĩ Quan cao cấp lại chẳng biết làm gì cả. Họ chỉ làm được có mỗi một việc là cho mở lại các vũ trường, những chốn ăn chơi đốt tiền, đốt bạc, ăn chơi đĩ điếm. Có thế thôi! Ở các thành phố thì càng thêm rối loạn, mất an ninh, trật tự, tranh giành quyền lực để đưa đến cuộc Chỉnh Lý (Governmental readjustment), thực ra là một cuộc đảo chánh khác của Tướng Nguyễn Khánh sau đó không lâu

 Ở thôn quê thì coi như bỏ ngỏ, mặc cho cộng sản muốn làm chi thì làm vì hệ thống ấp chiến lược một công trình xây dựng của ông Nhu, tuy không hoàn hảo, nhưng đã làm cho cộng sản thực sự mất đi một sức mạnh từ cơ sở nông thôn, khó thực hiện được kế hoạch bao vây và tiêu diệt các thành thị của miền Nam

Ông Diệm bị giết, bọn tài phiệt quốc tế buôn bán vũ khí chiến tranh vui mừng, vì sẽ được tự do buôn bán vũ khí trên xương máu của các chiến binh Mỹ cũng như Việt Nam 

Ông Diệm bị giết rồi thì ông Kennedy liền nghĩ ngay đến việc rút chân ra khỏi vũng lầy Việt Nam càng sớm càng tốt, nếu không muốn phải chờ đến lúc Liên Sô, Bắc Kinh cùng với Hà Nội thực sự đánh gục Hoa Kỳ trên chiến truờng này, hay tại chính trên đường phố rối loạn của đất nước Mỹ. 

3.- Sau cái chết của Ông Ngô Đình Diệm:

A.- Tổng Thống Kennedy kinh hoàng, cho rút sĩ quan, cố vấn, chuyên viên Mỹ về nước, tính chuyện bỏ cuộc. Kết quả ông Kennedy cũng bị bắn chết 20 ngày sau ông Diệm, để cho ông Phó Lyndon B. Johnson lên thay, và sau đó quân tác chiến Mỹ ào ạt đổ vào Việt Nam và cuối cùng cũng như người Pháp... quân đội Mỹ ra đi không kèn, không trống. Về nước chẳng ai thèm chào mừng, đón rước, chẳng có lấy một vòng hoa chiến thắng, mà còn bị biểu tình sỉ vả, mặc dầu đã có 58 ngàn quân nhân Mỹ tử trận tại chiến trường, mấy ngàn người còn ghi mất tích, và cả triệu người Mỹ phải gánh chịu chung niềm đau tủi, mất mát, đui què, mẻ sứt hay điên khùng... Đau thật! Lịch sử và Quân Sử Hoa Kỳ đã phải ghi "Lần đầu tiên trong lịch sử, quân đội bách chiến bách thắng của Hoa Kỳ đã thua trận một cách đau đớn ê chề trên chiến trường Việt Nam - The first time in the American History, the unvanquisable armed forces of the United States lost ignominiously the war in Vietnam battle field..."

B.- Ông Diệm chết đi thì Miền Nam như rắn không đầu, cá mè một lứa, càng thêm hỗn loạn, rồi Tướng Khánh làm cuộc "Chỉnh Lý" nhưng thực ra là cuộc đảo chánh khác để "hốt" các Tướng đã đảo chánh ông Diệm, nhốt đầu vào 1 chỗ (Tướng Minh được tha vì thuộc loại to đầu mà dại, không đáng lo, khỏi cần nhốt) cho ngồi chơi mà ngẫm nghĩ sự đời đen bạc, phản phúc, và thế nào là "Làm điều lành, Trời báo cho bằng phước; Làm điều dữ, Trời báo cho bằng họa - Vi thiện giả, thiên báo chi dĩ phúc; Vi bất thiện giả, thiên báo chi dĩ họa" hay nói theo Tây thì "On récolte ce qu’on a semé", còn nói theo kiểu Mỹ và Ăng-Lê thì "Who sows the wind will reap the whirlwind". Tất cả giống nhau: "Gieo gió thì gặt bão". Ở đời xưa nay vốn là như thế.

Tiếp theo là những ngày tháng tối đen 1966, Miền Nam lại hỗn loạn đấu tranh, bàn thờ đem ra ngoài đường, cũng phát xuất từ Huế, với cái vụ Tướng Nguyễn Chánh Thi, người đã một phen đảo chánh không ra cái gì cả vì chỉ là một sự thử nghiệm của CIA, nhưng lan vào đến Đà Nẵng thì với tư cách Thủ Tướng, Nguyễn Cao Kỳ, Tướng Không Quân râu kẽm, một phật tử chính hiệu, đưa Quân Đội và Quân Cảnh từ trong Nam ra dẹp hết trơn, nhốt đầu những nhân vật lãnh đao. Tên nào thoát thì trốn sang nước láng giềng cho khỏi bị tóm cổ. Thế là hết đấu tranh! Cuộc đời, sự nghiệp của Ông Nguyễn Cao Kỳ chỉ đáng được 1 điểm an ủi ở chỗ này mà thôi dù Ông có cơ hội, có chức, có quyền.

C.- Ông Diệm chết đi thì ông Hồ Chí Minh ở Hà Nội không còn đối thủ, bèn lên đài phát thanh Hà Nội hiệu triệu quốc dân đồng bào: "Toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta sẵn sàng chiến đấu chống Mỹ cứu Nước trên khắp các mặt trận của ba miền đất nước! Quân đội và nhân dân Việt Nam anh hùng sẽ đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược không những trên Quê Hương, Tổ Quốc Việt Nam, mà còn đánh thắng đế quốc Mỹ ngay trên đường phố, tại các trường Đại Học của chúng nữa! Kháng chiến nhất định thắng lợi! Thống Nhất, Độc Lập nhất định thành công!" Theo Giáo Sư Francis Xavier Winters, năm 1999 viết trên tạp chí "World Affairs" của Ấn Độ, có nói là: Sau cái chết của Ông Diệm, Một nhà báo Pháp hỏi ông Hồ chí Minh: Ông Diệm là người thế nào? Ông Hồ đã trả lời: "Ông ta là một người yêu nước theo kiểu của Ông ta". Ông Hồ Chí Minh nói với Wilfrid Burchett, một ký giả cộng sản hạng nặng, là: "Tôi không thể ngờ là tụi Mỹ lại ngu đến thế!" Rồi Tướng cộng sản Võ Nguyên Giáp gặp McNamara ở Hà Nội tháng 11-1995, thì nói: "Chính sách của người Mỹ sai lầm hết chỗ nói. Ngô Đình Diệm là người có tinh thần quốc gia rất mạnh. Không bao giờ Ông ta để cho người Mỹ giành lấy quyền điều khiển chiến tranh ở Miền Nam Việt Nam.. Người Mỹ đã làm điều đó bất chấp sự phản đối của Ông Diệm để rồi mua lấy một thất bại thảm khốc. Ông Diệm chết thì cũng chấm dứt sự hiện diện quân sự của người Mỹ tại đây một cách sớm hơn". Nguyễn Hữu Thọ, Chủ Tịch "Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam" nói với phóng viên Báo Nhân Dân, cơ quan ngôn luận chính thức của Cộng Sản Hà Nội: "Sự lật đổ Ngô Đình Diệm là một món quà Trời tặng cho chúng tôi." Trần Nam Trung, Phó Chủ Tịch Mặt Trận tuyên bố: "Đế Quốc Mỹ chơi đòn đổi ngựa giữa dòng, nhưng chúng sẽ không bao giờ tìm được người chống Cách Mạng hiệu quả hơn Ngô Đình Diệm." Ông Diệm là thế đó! Cộng sản cũng phải công nhận giá trị thật sự của nhân vật Ngô Đình Diệm.

. Khi được tin hai anh em Tổng Thống. Ngô Đình Diệm bị thảm sát, Tổng Thống Trung Hoa Quốc Gia Tưởng Giới Thạch đã thốt lên: '' Cả 100 năm nữa Việt-Nam mới có Ngô Đình Diệm thứ hai. Biết đến bao giờ Việt-Nam mới sản sinh ra được Ngô Đình Nhu thứ hai! Ông ta là Khổng Minh của Việt-Nam…”

Còn ai bảo : Ngô Đình Diệm kỳ thị tôn giáo ? – 

 Về điểm này, những người hiểu biết đã cho thấy rằng : Trong hàng ngũ các Bộ Trưởng thuộc chính quyền Ngô Đình Diệm lúc đó, ngoại trừ ông Trần Trung Dung, Bộ Trưởng Phủ Tổng Thống là công giáo ra, còn có ai là người cùng tôn giáo với ông Diệm nữa không ? Phó Tổng Thống Nguyễn Ngọc Thơ, được ông Diệm tin cậy, quý trọng là người miền Nam là Phật tử rõ ràng… 

* Toàn thể Bộ Tham Mưu riêng của Tổng Thống đều là Phật Tử, ngoại trừ ông Trần Trung Dung.

* Trong số 18 Tổng Bộ Trưởng, chỉ có 5 người là Công giáo, còn 13 là Phật giáo.

* Bên quân đội, tổng số 19 tướng lãnh có quyền hành nhất, thì đã có 16 tướng là Phật giáo, chỉ có 3 là công giáo…

Từ năm 2014 trở đi, cho đến ngày nay 2016, , người Việt hải ngoại ở khắp nơi trên đất nước Hoa Kỳ, Canada, Úc, Pháp, Đức Hòa Lan vv… đã long trọng tổ chức Lễ Tưởng Niệm cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm và đặc biệt hơn nữa, ngay tại Việt Nam, Dòng Chúa Cứu Thế ở Sài Gòn đã tổ chức Thánh Lễ tưởng niệm Cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm như một vị “ Lãnh tụ xuất chúng – Outstanding Leader “ thành lập nền Cộng Hòa tại Nam Việt Nam được lòng thương tiếc, ngưỡng mộ của bao nhiêu người Việt Nam, không những ở miền Nam, mà cả ở miền Bắc sau này nữa. Năm 2014 trở đi, tại Sài Gòn, nơi nghĩa trang anh em ông Ngô Đình Diệm – Ngô Đình Nhu an nghỉ có nhiều nhân vật trí thức, sinh viên, dân chúng không phân biệt tuổi tác, bất chấp mọi sự khó khăn đã cùng nhau tới bên mộ phần dâng hoa, đốt hương , cầu nguyện cho 2 nhân vật họ Ngô đã đi vào lịch sử Việt Nam thời cận đại, với tấm lòng yêu thương Tổ Quốc, hết lòng đấu tranh cho Hạnh Phúc, Tự Do của dân tộc… 



Tấm hình cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm ( lấy từ báo Life của Mỹ năm 1955 ) trong lúc đi kinh lý ở miền cao nguyên và đang nằm nghỉ mệt buổi trưa, nói lên câu hỏi : “ Trong lịch sữ thế giới có vị nguyên thủ quốc gia nào nghỉ mệt trên một cái giường như vậy không ?” Chúng tôi dành sự trả lời cho mỗi độc giả, bởi lẽ tấm hình đã cắt nghĩa rất nhiều và rất đầy đủ cho những ai còn đang suy nghĩ, tiếc thương một con người mang tên Ngô Đình Diệm đối với Đất Nước và Dân Tộc Việt Nam.

 San Diego , California

 Phan Đức Minh


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

VỢ CHỒNG GIÀ BỎ CHÂU ÂU VỀ ĐÀ NẴNG HƯỞNG NHÀN

LOẠT ẢNH TUYỆT ĐẸP VỀ SÀI GÒN THẬP NIÊN 1960

KARAOKE MÀ KHÔNG CÓ "CÁI ĐÓ" LẤY GÌ ĂN?