ĐÂU ĐÂY TRONG CUỘC SỐNG VẪN CÒN NHỮNG VIỆC TỬ TẾ

Công nhân và giấc ngủ giá…10.000 đồng

Kiếm chỗ ngả lưng qua đêm để tái tạo sức lao động là nhu cầu có thật của đại bộ phận lao động nhập cư

Hơn 4 năm qua, chỗ ngả lưng quen thuộc của anh Nguyễn Văn Tú, 33 tuổi, ngụ thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương -  là những quán nước nằm cạnh chợ Đầu mối Nông sản Thực phẩm Thủ Đức (quận Thủ Đức, TP HCM). Đó là một căn nhà 4 tầng hai mặt tiền nằm cách chợ chừng 100 m. Chỉ cần đưa chủ nhà 10.000 đồng là anh Tú và những lao động chân tay khác có giấc ngủ ngon

Kiếp ngủ võng

0 giờ 30 phút, sau một buổi tối ê ẩm mình mẩy với công việc bốc vác ở chợ đầu mối, anh Tú tìm đến đây. Vừa ngã lưng xuống chiếc võng, anh Tú quay sang nói với tôi: "Ở đây, qua đêm có máy lạnh, tiện nghi như khách sạn mà chỉ 10.000 đồng. Quá rẻ".

Bước vào nhà, chúng tôi hết sức bất ngờ khi phòng ngủ chỉ rộng khoảng 60m2 nhưng được kê đến 30 chiếc võng, xếp thành hai hàng. 4 chiếc máy lạnh trong phòng hoạt động hết công suất. khi tôi thắc mắc, vì sao không về nhà nghỉ  mà lại chọn nơi này, anh Tú cho biết nếu về nhà thì cũng mất gần 45 phút, do vậy anh quyết định vào đây để lấy lại sức.




Một quán võng đêm giá 10.000 đồng cạnh chợ Đầu mối Nông sản Thực phẩm Thủ Đức, quận Thủ Đức, TP HCM lúc 3 giờ sáng - Ảnh: Lê Phong.

Trong lúc đang trò chuyện với anh Tú, một người phụ nữ trong bộ quần áo lem luốc bước vào. Chị Trần Kim Ngọc, chủ nhà nhanh chân chạy ra mở cửa: "Chị qua đêm hay theo giờ. Giờ thì 5.000 đồng, qua đêm thì 10.000 đồng". Rút từ túi quần một tờ 5000 đồng và cho chị Ngọc, người phụ nữ này cho biết chỉ chợp mắt ở đây khoảng 40 phút, đồng thời không quên nhờ chủ nhà canh chừng xe bán xôi để trước cửa. Trò chuyện với tôi, chị cho biết tên Võ Thị Trang, quê Thanh Hoá, chuyên bán xe cho  cánh tài xế và cửu vạn ở chợ Đầu mối Nông sản Thực phẩm Thủ Đức bán xôi cho "Ngủ ở đây an toàn, lại có máy lạnh và đặc biệt là giá rẻ nên tôi thường xuyên lui tới. Tụi tui là dân lao động mà, chỉ cần có vậy thôi", chị Trang bộc bạch.

3 giờ sáng, quán chỉ còn đúng 2 chiếc võng để khách ngã lưng. Lúc này, một nhóm (CN) bốc vác bước vào trong đó có 3 nam và 1 nữ tìm đến. Thế là một người trong nhóm kéo hai chiếc ghế nhựa làm chiếc giường tạm bợ, cụp chiếc nón xuống và ngáy khò sau 1 phút. Dường như, khi ai vào bên trong cũng rón rén đi lại, nói chuyện rất thì thầm có khi áp tai vào mới nghe rõ. Ai cũng ý thức những người vào quán võng vừa trải qua cơn lao động mệt nhọc nên giấc ngủ tạm bợ như thế này là điều đáng quý.

An toàn, tiện lợi

Ở khu vực vệ sinh, chúng tôi bắt gặp anh Võ Trung, quê Quảng Ngãi đang cặm cụi giặt bộ quần áo. Anh Trung cho hay, hiện đang làm công việc phân loại rau củ, quả cho mấy tiểu thương ở chợ. Nếu thuê nhà trọ sẽ phải tốn nhiều tiền nên anh chọn ngã lưng ở những quán như thế này để tiết kiệm. "Tính ra, mỗi ngày tốn 10.000 đồng và mỗi tháng chỉ từ 290.000-300.000 đồng. Được cái là quán có cả nơi tắm rửa, giặt đồ, phơi đồ và cả sạc điện thoại. Thử hỏi tìm nhà trọ nào tiện nghi có máy lạnh như thế. Tuy nhiên bất tiện là ngủ chung tập thể thôi, nhưng dân lao động với nhau chuyện đó rất bình thường", anh Trung tâm sự.



Ven quốc lộ 1, quận Bình Tân, TP HCM có nhiều quán cà phê võng đêm phục vụ công nhân, dân lao động. - Ảnh: Lê Phong.

Quốc lộ 1, đoạn thuộc quận Bình Tân, TP HCM đêm xuống nhiều bảng hiệu ghi dòng chữ "Võng đêm, máy lạnh" sáng đèn.  22 giờ 30 phút, tôi ghé vào một quán nằm cạnh KCN Tân Tạo bắt gặp rất đông người đang mặc trên người bộ quần áo công nhân. Một nửa đã say giấc trong bộ dạng mệt lả. Số khác, vẫn còn thức bấm điện thoại đọc tin tức, chơi trò chơi. Trò chuyện với chúng tôi, anh Trương Văn Tân, 40 tuổi, cho biết nhà ở huyện Gò Công, Tiền Giang, hiện đang làm CN cho một công ty gần đó. Để có thể ở bên gia đình 2 ngày cuối tuần thì các buổi còn lại phải làm tăng ca bù vào. Rời công ty cũng đã hơn 22 giờ, nếu thuê nhà trọ tốn kém nên việc lựa chọn những quán võng thế này làm nơi ở là giải pháp tối ưu. Ngủ qua một đêm sáng sớm dậy tắm rửa có thể tiếp tục đi làm.  Anh Tân lạc quan: "Ai nói sống kiểu này là cực, là khổ thì tôi không biết. Chứ riêng tôi thấy sướng hơn mấy CN khác. Đêm làm ghé vào nằm lắc lư trên võng máy lạnh cứ phà phà vào mát lạnh. Trong khi nhà trọ thì nóng hầm hập. Chưa kể, ngủ xong có người quét dọn cho mình".

Trò chuyện với anh Văn Thanh Tùng, chủ một quán võng đêm ven quốc lộ 1 cho biết lúc trước gia đình kinh doanh võng máy quạt. Tuy hiên, thấy nhiều người lao động ngủ chẳng ngon giấc thường xuyên muỗi đốt. Hơn nữa, nhiều nhà xung quanh cũng bắt chước làm theo vì vậy tu sửa lại, lắp máy lạnh. "Dân lao động họ làm việc rất cực ban ngày, rồi đêm ngủ mà cứ đập muỗi bốp, bốp tội lắm. Từ khi tôi xây lại nhà và cho thuê thì mọi người kéo đến rất đông, giấc ngủ cũng ngon hơn", anh Tùng tâm sự.

Trước sự lo lắng về trộm, cắp anh Tùng cho biết chưa bao giờ xảy ra. Với những vị khách lạ, anh luôn dặn bỏ tài sản ngay võng nằm ngủ đè lên. Còn ai có balo, túi xách thì sẽ kênh trên một chiếc ghế nhựa đặt kế bên chỗ ngủ. Ngoài ra, anh thuê con cháu trong nhà thay nhau trông chừng xe gắn máy nên không lo trộm.

Nhiều ngày ghi nhận, điều mà tôi cảm thấy rất nhiều người chọn những quán võng này không chỉ là nơi để ngã lưng tạm bợ mà họ xem đây là nhà của mình. Đong đưa chiếc võng để mơ về việc làm sao tiết kiệm tiền gửi về quê vun vén gia đình.

"3 năm kinh doanh dịch vụ này, tôi chứng kiến nhiều người lỡ đêm, không còn nhiều tiền tìm đến đây tá túc. Nhiều nữ CN lo sợ tối làm về gặp chuyện không lành cũng ghé qua nghỉ ngơi. Mình làm vừa kinh doanh kiếm tiền cũng vừa giúp mọi người có chốn tạm cư thấy vui lây trong lòng", anh Tùng – chủ quán vũng, chia sẻ.

Bài và ảnh: LÊ PHONG


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

VỢ CHỒNG GIÀ BỎ CHÂU ÂU VỀ ĐÀ NẴNG HƯỞNG NHÀN

LOẠT ẢNH TUYỆT ĐẸP VỀ SÀI GÒN THẬP NIÊN 1960

KARAOKE MÀ KHÔNG CÓ "CÁI ĐÓ" LẤY GÌ ĂN?