HUYỀN THOẠI VỀ ĐỆ NHẤT MỸ NHÂN SÀI GÒN, CÔ BA TRÀ
Đệ nhất Mỹ nhân Sài Gòn: Cuộc đời phản bội vì chơi ngải đàn ông, chết bên gầm cầu thang lúc cuối đời
Trong tác phẩm điện ảnh của tài nữ Ngô Thanh Vân, Cô Ba là một nghệ nhân may áo dài truyền thống nức tiếng đất này. Nhưng với Cô Ba Sài Gòn ở ngoài đời thật, người phụ nữ này không được toàn tài đến thế. Tuy sở hữu một nhan sắc khó ai sánh kịp nhưng cuộc đời Cô Ba Sài Gòn là một chuỗi truân chuyên không ngừng.
Từ một cô gái chân đất tới hoa hậu không vương miện chốn Sài Thành
Cô Ba Sài Gòn còn gọi là Cô Ba Trà, có tên thật là Trần Ngọc Trà sinh năm 1906. Cô Ba Trà khi đặt chân lên đất Sài Gòn chỉ mới 16 tuổi, xuất thân từ làng quê nghèo Cần Đước (Long An).
Từ khi sinh ra và lớn lên cho tới tuổi 16, Ba Trà chỉ biết đi chân trần và bắt ốc, hái rau, hoặc gánh nước. Từ khi cha mất, Trà liên tục phải chịu cay đắng với những trận đòn roi khôn ngớt của mẹ.
Sau đó, Ba Trà bị bên nội hắt hủi không cho dung thân nên phải bươn chải lên Sài Gòn đi làm người giúp việc. Nhưng cuộc đời của cô gái 16 tuổi không bằng phẳng trôi theo cái kiếp làm thuê làm mướn, mà lại sớm vướng vào một bi kịch cuộc đời ngay những ngày đầu đời.
Nhiều người cho chính những bi thương từ thuở ấu thơ đã góp phần hình thành nên tính cách của người đẹp đất Nam Kỳ sau này: Coi đời lạnh như băng.
Ba Trà sớm bộc lộ dung mạo xinh đẹp khi mới chỉ 16 tuổi và nhanh chóng trở thành "ngôi sao" của đất Sài Gòn hoa lệ. Với nhan sắc hiếm có của mình, cô lần lượt "đốn ngã" hàng loạt những tay chơi hào hoa, giàu có bậc nhất, trong đó có cả Công tử Bạc Liêu ăn chơi khét tiếng một thời của Lục tỉnh.
Cận cảnh nhan sắc làm xiêu đổ mọi đấng nam nhi của cô Ba chốn Sài Thành hoa lệ: Trần Ngọc Trà.
Cánh báo chí, nhà văn thời ấy đã tốn biết bao nhiêu giấy mực để miêu tả vẻ đẹp của Cô Ba Trà. Nào là "Cô ấy đẹp lắm, đẹp đổ quán xiêu đình, đài các như một bà hoàng, quần áo lụa cùng màu, có quàng khăn voan mỏng, ngồi trên xe mui trần lượn trên đường phố Sài Gòn".
Vẻ đẹp đó làm mê hoặc bất cứ người đàn ông nào, bao gồm các tay chơi hào hoa khắp cả Nam Vang, Băng Cốc.
Ba Trà nhanh chóng biến thành một bông hoa nổi tiếng. Những năm đầu thế kỉ 20, người dân Nam bộ biết tiếng cô Ba Trà qua các mệnh danh như "Tuyệt thế giai nhân Sài Gòn", "Ngôi sao Sài Gòn", "Bà hoàng của vũ trường", "Bà hoàng sòng bài tại Sài Gòn".
Học giả Vương Hồng Sển, người cũng từng si mê nhan sắc của Ba Trà, đã viết trong cuốn "Sài Gòn tả pí lù" rằng:
"Những ai được quen biết hay được cô hạ cố giao thiệp đều xem đó là niềm vinh dự để chứng minh đẳng cấp…
Cô Ba Trà, đệ nhất Huê khôi ở Nam kỳ, một người đẹp sắc nước hương trời từng làm say mê biết bao công tử miền Nam. Họ bao quanh cô, tranh nhau vung tiền qua cửa sổ. Bao nhiêu tiền bạc, của cải cha mẹ để lại, các công tử ấy ăn xài, bao gái không tiếc."
Nhan sắc thu phục những gã đàn ông khét tiếng nhất Lục tỉnh cho tới nô lệ của "nàng tiên nâu"
Thời ấy có bốn người đàn ông mê mẩn nhan sắc quyến rũ của Ba Trà, đó là vua cờ bạc Sáu Ngọ, Bạch Công Tử, ông đốc phủ B xứ Trà Vinh và một ông nữa vốn là Phó giám đốc ngân hàng Pháp Á, chi nhánh tại Cần Thơ gọi là ông trọc phú Lâm.
Giai thoại hai công tử nổi đình nổi đám Lục tỉnh thời đó tranh nhau có được trái tim của Cô Ba Sài Gòn.
Ba Trà trước khi được những trọc phú và những tay chơi khét tiếng này say đắm thì cô đã có một đời chồng Tây, một đời chồng Ta lai Tàu ở tận Phan Thiết, và một lô ông hội đồng, ông trọc phú ở các tỉnh miền Tây Nam bộ.
Theo thống kê sơ bộ của những người am hiểu về Ba Trà thời ấy thì cùng một lúc, cô Ba Sài Gòn có đến một chục đủ đầu (mười hai người) đàn ông ở dưới tay mình. Người nào cũng giàu có và lúc nào cũng sẵn sàng cung phụng cho cô Ba tiền của ăn chơi thỏa thích.
Cô Ba Sài Gòn có thể thỏa thích vung những đồng tiền có giá trị cao nhất thời đó tại nơi này, thương xá Tax.
Ba Trà có một cái thú tiêu khiển rất đàn bà, đó là mê hột xoàn (kim cương), cho nên mỗi lần vua cờ bạc Sáu Ngọ hoặc Hắc bạch công tử dẫn nàng đi lên lầu của thương xá Tax (góc Nguyễn Huệ và Lê Lợi ngày nay) hoặc là tới cửa hiệu Alphana Kim Thịnh, cô nàng mặc sức chỉ dây kim cương nào trong tủ kính, thì y như rằng các tay chơi kia đều gật đầu đồng ý cái rụp, để rồi xỉa rèn rẹt những tờ giấy Cent (tờ giấy một trăm Đông Dương) ra trả mà không cần thắc mắc.
Được chiều chuộng dễ dàng như vậy cho nên Ba Trà tha hồ mua sắm.
Nhưng khổ nỗi với những món quà tặng ưu ái và đắt tiền như vậy, nếu cô Ba biết dành dụm cất giữ để làm của riêng thì giàu sang biết mấy. Nhưng bên đó Ba Trà cũng phát sinh ra một cơn nghiện khác nguy hiểm hơn nhiều đó là nghiện nàng tiên nâu, tức á phiện.
Hầu hết những tay chơi thời ấy đều làm bạn với nàng tiên nâu theo một cái mốt thời ấy gọi là mốt ăn chơi thời thượng. Cô Ba Trà đã bị lây cái bệnh gọi là mốt thời thượng ấy.
Cho nên hầu như ngày nào cô cũng đi theo những tay trọc phú ấy, cầm ống hút hít ro ro, mắt lờ đờ nhìn theo những cuộn khói trắng như dung nhan của nàng tiên nâu... Cô Ba Sài Gòn lúc đầu chỉ hút vì ham vui rồi dần dần bị nghiện.
Bởi vậy khi cùng đi với các tay tình nhân ăn chơi trác táng nổi danh kia thì họ bao cho hút. Lúc vắng họ thì chính cô đã tự sắm ống hút đem về nhà đặt trong phòng riêng, và mua những hộp thuốc phiện đắt như vàng đem về nhà tự thả hồn theo mây khói.
Công Tử Bạc Liêu là công tử có tên tuổi lừng lẫy nhất Lục tỉnh Nam Kì thời đó.
Dần dần Ba Trà thành bạn tri kỉ, hay nói đúng hơn là một thứ nô lệ của nàng tiên nâu. Để rồi những chiếc nhẫn kim cương, những chiếc vòng ngọc thạch và những món trang sức đắt tiền được các tay chơi ưu ái tặng cũng đã bay theo khói thuốc.
Cuộc chạy trốn vì bị ngải hành và cái kết bi kịch cuối đời
Giai thoại kể rằng Cô Ba Sài Gòn qua Xiêm để thỉnh ngải về, với mục đích để các đại gia càng ngày càng mê cô. Một năm sau, là lúc Ba Trà dính phải những hiện tượng mà chính cô cho rằng đã bị ngải hành!
Có lần Ba Trà thú thật với vài người tâm phúc, khi thỉnh ngải và cho ngải xâm nhập vào cơ thể, thì ông thầy ngải xứ Xiêm La đã đưa ra những điều răn đe rất nghiêm khắc rằng: Đã chuộc ngải vào thân rồi thì không được làm cho cơ thể ô uế, không được để cho đàn ông hành hạ thân xác, không được ăn uống những thứ thịt thà cấm kị, như thịt trâu, thịt rắn, thịt rùa, thịt chó.
Và nhất là không được uống huyết tươi, không được chui qua sào quần áo, không được bước dưới những nơi mà trên đầu có chất ô uế như cầu tiêu, cầu tiểu…
Nhưng làm sao cô tránh được những thứ đó, khi cô có trong tay hàng chục người đàn ông lúc nào cũng muốn được hưởng cơn đam mê từ thể xác cô.
Mà họ thì đâu phải ái ân một cách bình thường. Rồi sau những cuộc nhậu bí tỉ, sau những cơn say thuốc tơi bời thì Cô Ba Sài Gòn hầu như lúc nào cũng vùi đầu vào những buổi tiệc thâu đêm suốt sớm.
Ít lâu sau, Ba Trà lại phải quay sang Xiêm lần thứ hai, đúng ra là sau lần chính thức chuộc ngải ấy để cầu cứu ông thầy ngải Xiêm, và đến lúc ấy nàng ta mới nghe được một chuyện rùng mình, có thể ảnh hưởng tới tính mạng của Ba Trà.
Cho nên cô lẳng lặng bỏ xứ Xiêm trở về nước, và toan tính một cách cho ổn thỏa: Cô lơi dần những mối tình thâu đêm suốt sáng để chỉ giữ lại bên cạnh những mối tình lớn, tức là những người đàn ông có thế lực và tiền của dồi dào hơn, để cung phụng cho cô tiếp tục cuộc sống.
Cô Ba Sài Gòn nức tiếng thời ấy có hai cái thứ nghiện khá nặng: Nghiện thứ nhất là nghiện đàn ông và cái nghiện thứ hai là nghiện thuốc phiện. Nhưng có một cái nghiện thứ ba âm thầm lặng lẽ, vô hình mà cô không ngờ tới đó là bị bùa ngải hành!
Theo lời thú nhận của Ba Trà sau này thì trước kia không có nhưng kể từ lúc đi Xiêm La về, thì cô phát hiện ra là mỗi lần cô bị những tay đàn ông vùi dập thân thể với đủ cách theo kiểu phương Tây, thì y như rằng cô như bị một cơn bệnh gì đó hành hạ đến chết đi sống lại.
Cô Ba Sài Gòn chốn phù hoa quyết định về Cần Thơ bên người tình họ Lâm, đang làm Phó giám đốc một ngân hàng tại Tây Đô xứ Cần Thơ để… ẩn dật.
Hình ảnh cũ của trụ sở ngân hàng Đông Dương, nơi công tử xứ Cần Thơ làm Phó Giám Đốc, là bến đỗ cuối cùng của cô Ba Trà.
Và có lẽ đây là một bước ngoặt lớn nhất trong đời Ba Trà, và cả cho anh chàng họ Lâm tội nghiệp kia nữa: Khi Ba Trà bám riết anh chàng và định quy ẩn luôn ở xứ Cần Thơ, thì vua cờ bạc Sáu Ngọ, rồi Bạch công tử và hàng tá những tay tình nhân khác đều truy ra và mò tận nơi để thực hiện nhiều cuộc ghen tuông long trời lở đất ở xứ Tây Đô ấy.
Đến giai đoạn cuối đời, theo năm tháng, nhan sắc cô Ba Ngọc Trà qua tuổi xuân thì cũng dần nhạt phai. Những công tử, đại gia trước kia theo đuổi cũng ít dần và lảng tránh Ngọc Trà.
Bà dĩ nhiên không còn tiền để cờ bạc. Năm 1966, người ta tình cờ gặp Yvette Trần Ngọc Trà đang làm công ở một tiệm trong Chợ Lớn.
Ở tuổi lục tuần, bà trở nên tiều tụy, dù những nét thanh tú vẫn còn vương. Không có tài liệu nào nói về năm mất của bà. Nhưng có thông tin bà qua đời trong nghèo khổ và cô đơn một mình ở gầm cầu thang của một chung cư tại Sài Gòn, với tài sản chỉ là một chiếc ghế da do bố cô để lại từ xưa.
Kết
Cuộc đời đầy sóng gió của Cô Ba Trần Ngọc Trà được các học giả lừng danh thời đó tiểu thuyết hóa.
Không biết vì lí do gì, đạo diễn Ngô Thanh Vân lại lấy tên Cô Ba Sài Gòn để đặt cho tác phẩm điện ảnh về nghề may áo dài của mình. Nhưng có một điều mà ta có thể biết chắc chắn rằng, cuộc đời thì rất khác so với phim ảnh.
Có thể vẻ yêu kiều, ngạo nghễ đến nghiêng nước nghiêng thành của Yvette Trần Ngọc Trà đã là một nguồn cảm hứng cho lời bát hát của nhạc phim do Đông Nhi thể hiện:
"Ai yêu Cô Ba Sài Gòn
Làm bao anh say đắm trái tim mơ màng
….
Anh ngẩn ngơ nhìn theo bóng ai?"
Hoặc cũng có thể, cách đặt tên này chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên mà thôi. Dù sao đi chăng nữa, thì Cô Ba Sài Gòn, hay nói cách khác, cô Ba Trà luôn là một giai thoại "vang bóng một thời" của đất Sài Thành, từ bao giờ tới tận bây giờ.
Không những bởi dấu ấn nhan sắc quá đỗi khó quên, mà còn vì một cuộc đời trụy lạc, lầm lỡ và truân chuyên ở tuổi xế chiều. Cô Ba Trần Ngọc Trà chính là một chứng minh rõ ràng nhất cho lời nguyền: "Hồng nhan bạc mệnh."
Theo Soha
Nhận xét
Đăng nhận xét