"VÕ LÂM MINH CHỦ" KIM DUNG ĐÃ QUA ĐỜI

Kim Dung là tác giả tiểu thuyết võ hiệp xuất sắc nhất thế kỷ 20, được mệnh danh là "Võ lâm minh chủ" về sách kiếm hiệp. Ông có 15 tiểu thuyết nổi tiếng, có thể kể đến: Anh hùng xạ điêu, Thần điêu đại hiệp, Thiên long bát bộ, Tiếu ngạo giang hồ, Lộc đỉnh ký…

Nhà văn Kim Dung tên thật là Tra Lương Dung, sinh năm 1924 tại Chiết Giang (Trung Quốc). Ông là tác giả tiểu thuyết võ hiệp xuất sắc nhất thế kỷ 20, được mệnh danh là "Võ lâm minh chủ" về sách kiếm hiệp. Ông cũng là người sáng lập tờ Minh Báo nổi tiếng tại Hong Kong.

Ông nằm trong số những nhà văn Trung Quốc có tác phẩm bán chạy nhất mọi thời đại. Sách của ông đã được in hơn 300 triệu bản và được bán khắp nơi trên thế giới.



Tác gia võ hiệp huyền thoại Kim Dung vừa qua đời ở tuổi 94

1. Tiểu thuyết võ hiệp đầu tiên Thư Kiếm Ân Cừu Lục ra mắt năm 1955 trên tờ New Evening Post với bút danh Kim Dung. Tác phẩm lập tức gặt hái thành công vang dội. Sau đó, ông tiếp tục cho ra đời 14 bộ tiểu thuyết võ hiệp khác.

2. Anh hùng xạ điêu là một trong những tiểu thuyết võ hiệp nổi tiếng nhất của nhà văn Kim Dung. Tiểu thuyết này từng được chuyển thể thành phim hơn 10 lần.

Lấy bối cảnh đời Nam Tống, Anh hùng xạ điêu kể về Quách Tĩnh, chàng trai khù khờ nhưng giàu lòng nghĩa hiệp. Nhờ "cần cù bù thông minh", chàng nắm được nhiều bí quyết võ thuật và ngày càng mạnh mẽ.

Trên đường phiêu bạt giang hồ, Quách Tĩnh gặp và yêu Hoàng Dung, cô gái tài trí hơn người, ứng biến nhanh nhạy. Cặp uyên ương đã vào sinh ra tử trải qua nhiều bão tố phong ba.



Anh hùng xạ điêu được đánh giá là một trong những bộ phim kinh điển nhất của dòng phim kiếm hiệp. Dù đã được dựng lại nhiều lần, nhưng sức hút của nó vẫn không hề thuyên giảm.

Anh hùng xạ điêu không chỉ hấp dẫn bởi tình tiết kịch tính, cuốn hút mà trong phim còn ẩn chứa nhiều tầng nghĩa sâu xa. Dù chỉ là câu chuyện hư cấu về anh hùng hiệp nữ, nhưng xem phim, khán giả nghiệm được ra nhiều bài học thiết thực cho cuộc sống.

3. Thần điêu đại hiệp tiếp nối Anh hùng xạ điêu, nhân vật Dương Quá (con trai Dương Khang) được Quách Tĩnh đưa đến phái Toàn Chân học đạo.

Mối tình trắc trở của Dương Quá và Tiểu Long Nữ trong cuộc chiến tàn khốc giữa các phe phái giang hồ đã trở thành đại diện cho sự lãng mạn trong các tác phẩm Kim Dung. Tác phẩm được chuyển thể lên phim ảnh tới 12 lần.

Tác phẩm Thần điêu đại hiệp có 9 phiên bản truyền hình, nhưng chỉ có duy nhất một phiên bản điện ảnh của hãng Shaw năm 1982. Năm 2017 mới có thêm một tác phẩm điện ảnh Thần điêu đại hiệp ra đời.

4. Ỷ Thiên đồ long ký từng chuyển thể thành phim điện ảnh, truyền hình khoảng 14 lần. Tiểu thuyết xoay quanh Trương Vô Kỵ và mối tình phức tạp với 4 cô gái. Bên cạnh đó là những âm mưu thủ đoạn đầy máu tanh trên giang hồ nhằm chiếm đoạt hai báu vật Đồ Long đao và Ỷ Thiên kiếm với lời đồn nếu tìm được bí mật trong đao kiếm sẽ hiệu triệu được thiên hạ.

5. Tiếu ngạo giang hồ xoay quanh những đề tài về tình bạn, tình yêu, sự dối trá, phản bội, những âm mưu và cả ham muốn quyền lực. Trung tâm của toàn bộ cốt truyện là nhân vật chính Lệnh Hồ Xung, đại đệ tử của chưởng môn phái Hoa Sơn Nhạc Bất Quần.

Xuyên suốt câu chuyện, người đọc được dẫn dắt theo hành trình trở thành một kiếm khách lẫy lừng của chàng lãng tử này, đồng thời trải nghiệm những chứng kiến của Lệnh Hồ Xung đối với nhiều âm mưu tranh quyền đoạt vị trên giang hồ.

Tiếu ngạo giang hồ là tác phẩm được chuyển thể điện ảnh nhiều nhất của Kim Dung (13 lần).



Thiên Long Bát Bộ từng được dựng thành phim ít nhất 8 lần

6. Thiên Long Bát Bộ xoay quanh các nhân vật Kiều Phong, Đoàn Dự, Hư Trúc trong thời thế loạn lạc. Với tác phẩm này, Kim Dung muốn nói đến quan hệ nhân quả giữa nhân vật với gia đình, dân tộc, đất nước.

Tác phẩm từng được dựng thành phim ít nhất 8 lần và gắn liền với các tên tuổi Lý Nhược Đồng, Lưu Diệc Phi, Huỳnh Nhật Hoa, Hồ Quân, Lưu Đào...

7. Tuyết Sơn Phi Hồ ra đời năm 1959, tiểu thuyết kể về ân oán của bốn họ Hồ, Miêu, Phạm và Điền. Ân oán này kéo dài qua nhiều đời và được hóa giải vào thời đại của Hồ Phỉ - biệt hiệu là Tuyết Sơn Phi Hồ. Tác phẩm được chuyển thể ít nhất 7 lần.

8. Lộc Đỉnh Ký là cuốn tiểu thuyết cuối cùng của Kim Dung, xuất bản ngày 24/11/1969 trên Minh Báo và kéo dài trong 2 năm 11 tháng, đến ngày 23/9/1972. Kim Dung cho rằng đây là cuốn tiểu thuyết hay nhất của mình.

Truyện xoay quanh cuộc đời Vi Tiểu Bảo - chàng trai xuất thân từ tầng lớp đáy xã hội và không phải người chính trực. Không biết chữ cũng chẳng biết võ công nhưng nhờ miệng lưỡi lanh lợi, đầu óc thực dụng mà Tiểu Bảo có được thành công, danh lợi và phụ nữ.

Lộc Đỉnh Ký là cuốn tiểu thuyết cuối cùng của Kim Dung, từng được chuyển thể thành phim 11 lần


Lộc đỉnh ký không mấy giống tiểu thuyết võ hiệp, cũng không thể nói là tiểu thuyết lịch sử. Lúc bộ tiểu thuyết này đăng trên báo, có nhiều độc giả liên tiếp gửi thư tới hỏi Lộc Đỉnh ký có phải do người khác viết không?. Vì họ phát giác ra rằng giữa bộ này với các tác phẩm trước đây của Kim Dung có sự khác biệt rất lớn.

Điều này được tác giả Kim Dung lý giải rằng, có những độc giả bất mãn Lộc Đỉnh ký, vì nhân phẩm của nhân vật chính Vi Tiểu Bảo quá trái ngược với các quan niệm giá trị thông thường.

Ông cho rằng, nhân vật chính trong tiểu thuyết không nhất định phải là “người tốt”. Một trong những nhiệm vụ chủ yếu của tiểu thuyết là sáng tạo nhân vật, người tốt, người xấu, người tốt có khuyết điểm, người xấu có ưu điểm… đều có thể miêu tả.

Lộc Đỉnh Ký của Kim Dung được chuyển thể thành phim 11 lần.

Anh Tuấn (Tổng hợp)


Tiểu thuyết võ hiệp mang về cho Kim Dung khối tài sản 'khủng' thế nào?


Là một người sống giản dị, không phô trương nhưng trên thực tế Kim Dung sở hữu khối tài sản nghìn tỷ đồng từ tiền tác quyền tiểu thuyết võ hiệp và các khoản đầu tư khác.

Kim Dung là một trong những cây bút xuất sắc nhất của văn học hiện đại Trung Quốc. Ông cũng được mệnh danh là “Thái Sơn, Bắc Đẩu” trong giới tác giả viết tiểu thuyết võ hiệp.



Nhà văn Kim Dung.

Tên tuổi của tiểu thuyết gia Kim Dung được nhắc đến với rất nhiều tác phẩm kiếm hiệp, sau này được chuyển thể thành các bộ phim truyền hình ăn khách như "Thần Điêu Đại Hiệp", "Anh Hùng Xạ Điêu", "Ỷ Thiên Đồ Long Ký", "Tiếu Ngạo Giang Hồ", "Bích Huyết Kiếm", "Tuyết Sơn Phi Hồ",...

Những tác phẩm này không chỉ đưa tên tuổi Kim Dung trở thành một nhà văn có ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống tinh thần của người dân Trung Quốc mà còn khiến ông luôn đứng trong top những tác gia giàu có nhất tại đất nước tỷ dân.

Năm 2010, các tiểu thuyết của Kim Dung đồng loạt được tái bản tại Trung Quốc đại lục mang lại cho ông khoản tiền khổng lồ. Chỉ tính riêng lợi nhuận bản quyền, chưa tính tới phần trăm lãi trên đầu sách bán ra, Kim Dung đã thu về 3.5 triệu nhân dân tệ (khoảng 12 tỉ đồng)

Không những thế, Kim Dung cùng người vợ thứ 2 Chu Mai sáng lập nên tờ Hong Kong Minh báo từ năm 1959 và được coi là ông trùm báo chí của xứ Hương Cảng về sức mạnh và quyền lực.

Từ khi tiểu thuyết gia Kim Dung đăng tác phẩm của mình trên Minh Báo, tờ báo nhanh chóng thu hút độc giả và giúp doanh thu quảng cáo của báo tăng trưởng đều đặn.

Tháng 7/1962, Minh Báo phát hành 30.000 bản/ngày và con số này tăng lên 50.000 bản vào năm 1963. Năm 1988, doanh số phát hành hàng ngày của Minh Báo đã đạt 110.000 bản và chỉ 1 năm sau đã tăng lên 180.000 bản.

Trải qua nhiều khó khăn, tháng 1/1991, tập đoàn Minh Báo được thành lập và niêm yết trên sàn chứng khoán Hong Kong với giá trị vốn hóa rơi vào khoảng 870 triệu HKD (gần 111 triệu USD). Trong đó, 60% cổ phần thuộc về Kim Dung.

Năm 1992, Minh Báo đạt lợi nhuận năm 100 triệu HKD (12,7 triệu USD). Theo thống kê của một tạp chí cùng năm, Kim Dung xếp thứ 64 danh sách người giàu Hong Kong với khối tài sản 1,2 tỷ HKD (khoảng 153 triệu USD).

Mặc dù sau một thời gian, Kim Dung rút lui khỏi Minh Báo, ngưng sáng tác và tập trung vào chỉnh sửa tiểu thuyết, số tiền tác quyền ông thu về từ những tác phẩm xuất bản và chuyển thể thành phim vẫn khiến nhà văn có được nguồn thu nhập lớn.

Năm 2010, Kim Dung kiếm được 3,5 triệu nhân dân tệ (446.000 USD, tức 11,7 tỷ đồng) bản quyền xuất bản sách ở Trung Quốc. Năm 2011, con số này là 2,2 triệu tệ (316.000 USD). Năm 2015, ông kiếm được 8,5 triệu tệ (1,2 triệu USD) tiền tác quyền.

Ngoài ra, có nguồn tin cho biết Kim Dung còn đầu tư và sở hữu bất động sản đắt đỏ ở Hong Kong.

Theo ý nguyện Kim Dung, công ty xuất bản Minh Hà là đại diện hợp pháp nắm giữ bản quyền các tác phẩm của ông sau khi qua đời.

Kim Dung tên thật Tra Lương Dung, sinh năm 1924 ở Chiết Giang, Trung Quốc. Năm 1948, ông tới Hong Kong sinh sống, làm việc, được đông đảo độc giả hâm mộ bởi hàng loạt tiểu thuyết võ hiệp đặc sắc như: Thiên long bát bộ, Anh hùng xạ điêu, Thần điêu hiệp lữ, Lộc Đỉnh ký, Tiếu ngạo giang hồ...

Được mệnh danh là “Thái Sơn, Bắc Đẩu” trong giới tác giả viết tiểu thuyết võ hiệp, các tiểu thuyết của Kim Dung từng nhiều lần được chuyển thể thành phim điện ảnh, truyền hình, góp phần làm nên tên tuổi của nhiều nghệ sĩ như Lâm Thanh Hà, Lưu Diệc Phi, Trương Trí Lâm, Lý Nhược Đồng...

Nhà văn Kim Dung qua đời ở tuổi 94 tại Hong Kong sau một thời gian dài lâm bệnh. Sự ra đi của ông khiến người hâm mộ cũng như nhiều nghệ sĩ, doanh nhân bày tỏ lòng tiếc thương sâu sắc.

Vi An (T/h)


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

VỢ CHỒNG GIÀ BỎ CHÂU ÂU VỀ ĐÀ NẴNG HƯỞNG NHÀN

LOẠT ẢNH TUYỆT ĐẸP VỀ SÀI GÒN THẬP NIÊN 1960

KARAOKE MÀ KHÔNG CÓ "CÁI ĐÓ" LẤY GÌ ĂN?