NHỮNG LẦN ÁM SÁT HỤT CÁC TỔNG THỐNG MỸ
Những lần 'chết hụt' của 13 vị tổng thống Mỹ
Trong lịch sử Mỹ, 4 trong số 45 tổng thống bị ám sát, nhưng có rất nhiều vụ mưu sát hụt mà các nhà lãnh đạo đã thoát chết chỉ trong gang tấc.
1. Andrew Jackson
Tổng thống Andrew Jackson
Trong một ngày nhiều sương mù năm 1835, Richard Lawrence, một họa sĩ thất nghiệp mắc bệnh hoang tưởng, tưởng rằng mình là vua của Vương Quốc Anh đã bước vào Tòa nhà Quốc hội Mỹ, nhằm thẳng vào tổng thống Andrew Jackson và bóp cò. May thay, không có viên đạn nào bay ra và Tổng thống Jackson được cứu mạng. Gã họa sĩ Lawrence tiếp tục rút khẩu súng lục thứ 2 chĩa về phía tổng thống nhưng lần này anh ta cũng không thành công.
Theo báo TIME khi đó, tỷ lệ bắn hỏng của 2 phát súng này là 1/125.000. Sự may mắn của Jackson có thể do độ ẩm trong không khí ngày hôm đó quá lớn.
2. Theodore Roosevelt
Tổng thống Theodore Roosevelt
Tổng thống Theodore Roosevelt được cứu sống bởi bài diễn văn dài 90 phút. Năm 1912, John Schrank, một chủ trang trại, bắt đầu theo dõi ông sau khi có một giấc mơ bất thường.
"Trong một giấc mơ tôi thấy Tổng thống McKinley ngồi trong quan tài của ông ta chỉ vào một người đàn ông trong bộ trang phục của một nhà sư. Tôi nhận ra người đó chính là Tổng thống Theodore Roosevelt. Vị tổng thống đã chết nói rằng đó chính là kẻ giết tôi, hãy trả thù cho tôi”, Schrank viết.
Schrank âm mưu hạ sát Tổng thống Roosevelt khi ông chủ Nhà Trắng đọc bài diễn văn dài. May mắn thay, khi sát thủ rút súng lục và nhả đạn, bài diễn văn dày 50 trang xếp trong túi áo ngực bên cạnh vỏ hộp kính bằng kim loại đã giảm lực của viên đạn và cứu mạng của tổng thống.
3. Herbert Hoover
Tổng thống Herbert Hoover
Năm 1928, Tổng thống Herbert Hoover thoát chết trong gang tấc trong chuyến thăm dãy Andes. Kẻ ám sát người Argentina theo chủ nghĩa vô chính phủ đã tìm mọi cách để làm “nổ tung” chuyến đi này, nhưng hắn bị bắt trước khi hoàn thành mục tiêu đặt bom lên đường ray.
Sau khi âm mưu ám sát bị phát hiện và ngăn chặn, Tổng thống Hoover xé bài báo về vụ ám sát hụt trên trang bìa một tạp chí để phu nhân của ông, bà Lou Henry Hoover, không phải lo lắng.
4. Franklin D. Roosevelt
Tổng thống Franklin D. Roosevelt
17 ngày trước lễ nhậm chức, hôm 15/2/1933, Tổng thống Franklin D. Roosevelt bị ám sát khi đang có bài diễn văn ngắn ở Miami, bang Florida.
Theo báo Chicago Tribune, tên sát thủ Giuseppe Zangara bóp cò súng khi ông Anton Cermak - thị trưởng thành phố Chicago - đang trò chuyện với Tổng thống Roosevelt. May thay, phát súng của Zangara không trúng ông Roosevelt. Thị trưởng Cermak và một số người khác bị thương nặng. Zangara bị bắt và tử hình trên ghế điện sau đó 10 ngày.
10 năm sau, tại Hội nghị Tehran, các quan chức Liên Xô tuyên bố phát hiện ra kế hoạch của Đức Quốc xã trong vụ ám sát ông Roosevelt và các nhà lãnh đạo thế giới khác.
5. Harry S. Truman
Tổng thống Harry S. Truman
Ngày 1/11/1950, Puerto Rico là Oscar Collazo và Griselio Torresola đột nhập vào Nhà Blair, nơi Tổng thống Harry S. Truman sinh sống khi Nhà Trắng đang được sửa chữa, hòng ám sát ông.
Vụ ám sát bất thành nhưng khiến cảnh sát ở Nhà trắng Leslie Coffelt và hung thủ Torresola thiệt mạng. Tổng thống Truman đã giảm án cho kẻ còn lại Collazo xuống mức mức chung thân. Tay súng này được thả tự do vào năm 1979, sau gần 30 năm ngồi tù dưới thời Tổng thống Jimmy Carter.
6. Richard Nixon
Tổng thống Richard Nixon
Tổng thống Richard Nixon là mục tiêu của nhiều âm mưu ám sát. Ngày 13/4/1972, Arthur Bremer âm mưu ám sát Nixon nhưng rút cục phát súng của hắn lại trúng Thống đốc bang Alabama George Wallace.
Ngày 22/2/1974, hung thủ Samuel Byck bắn chết một sĩ quan cảnh sát tại sân bay quốc tế Baltimore-Washington, chạy qua trạm kiểm soát an ninh và đột nhập vào một chuyến bay Delta Đến Atlanta. Trước đó, hắn ta gửi một băng ghi âm cho tờ Washington Post về chi tiết kế hoạch cướp máy bay và đâm thẳng vào Nhà Trắng, để giết Nixon.
Samuel Byck bắn hai phi công, giết chết một người sau khi biết máy bay không thể cất cánh. Tên này đã tự tử trước khi bị cảnh sát tóm.
7. Gerald Ford
Tổng thống Gerald Ford
Tổng thống Gerald Ford sống sót qua hai vụ ám sát liên tiếp tại bang California chỉ trong tháng 9/1975. Vụ đầu tiên xảy ra tại công viên ở Sacramento vào ngày 5/9. Manson Lynette, thành viên của băng nhóm khét tiếng “Gia đình”, rút súng chĩa về phía tổng thống sau khi làm náo loạn đám đông. Hắn bị nhân viên mật vụ khống chế trước khi thực hiện được mưu đồ.
Chỉ vài ngày sau đó, hôm 22/9, Sara Jane Moore định bắn Tổng thống Ford ở San Francisco. Nhưng may thay, một cựu hải quân đã năm lấy cánh tay của Moore trước khi hắn kịp hành động. Moore được ra tù năm 2007, một năm sau khi Tổng thống Ford qua đời.
8. Jimmy Carter
Tổng thống Jimmy Carter
Ngày 5/5/1979, cảnh sát bắt Raymond Lee Harvey bên ngoài trung tâm thương mại Civic Center ở Los Angeles, 10 phút trước khi Tổng thống Jimmy Carter lên kế hoạch phát biểu tại đó. Kẻ ám sát có một khẩu súng lục nhưng không hề có đạn trong đó. Tên này mắc bệnh tâm thần và được thả sau đó.
Theo tờ Dayton Daily News, John Hinckley Jr., kẻ có ý định ám sát Tổng thống Ronald Reagan, cũng từng muốn mưu sát ông Carter vào năm 1980.
9. Ronald Reagan
Tổng thống Ronald Reagan
Tổng thống Ronald Reagan suýt chết trong vụ ám sát hụt ngày 30/3/1981. Theo New York Times, John Hinckley Jr. rút súng bắn tổng thống khi ông đang ở bên ngoài khách sạn Washington Hilton vào khoảng 2 giờ 30 phút chiều. Thư ký Báo chí James Brady, nhân viên Mật vụ Tim McCarthy và cảnh sát Thomas Delahanty cũng bị thương.
Tổng thống Reagan bị bắn vào ngực, chảy máu nội tạng bên trong và một phổi bị thủng. Ông được phẫu thuật tại Bệnh viện Đại học George Washington và may mắn thoát khỏi tử thần.
10. Bill Clinton
Tổng thống Bill Clinton
Tổng thống Bill Clinton cũng từng bị ám sát hụt vào thời gian ông tại nhiệm tại Nhà Trắng. Theo tờ New York Times, chỉ riêng năm 1994 vị tổng thống này đã phải đối mặt với 3 lần bị ám sát hụt.
Kẻ ám sát Ronald Gene Barbour đã tìm cách giết Clinton khi ông chạy bộ từ Nhà Trắng qua Công viên quốc gia National Mall.
Tháng 10/1994, Francisco Martin Duran đã dùng một khẩu súng trường bán tự động và bắn liên tục ở bãi cỏ phía bắc của Nhà Trắng. Một nhóm khách du lịch đã giữ được Duran và cuối cùng anh ta đã bị bắt.
Cuối năm 1994, một kẻ khác là Frank Eugene Corder đã lái một chiếc máy bay đâm thẳng vào khu nhà nghỉ dành cho gia đình Bill Clinton tại Nhà Trắng nhưng may thay, họ không có mặt ở đó.
Một vụ ám sát sau đó diễn ra ở nước ngoài khi ông Clinton tới Manila, Philippines vào năm 1996. Một quả bom đã được phát hiện dưới một cây cầu mà đoàn xe của tổng thống dự kiến đi qua. Theo tờ Telegraph, kẻ chủ mưu trong vụ việc chính là trùm khủng bố Osama bin Laden.
11. George W. Bush
Tổng thống George W. Bush (trái)
Tháng 2/2001, Robert Pickett, một nhân viên của Sở thuế vụ (IRS), vốn có tiền sử bệnh tâm thần, đã bắn vài viên đạn vào Nhà Trắng với ý định ám sát Tổng thống George W. Bush, song bất thành. Một nhân viên của Cơ quan Mật vụ Mỹ phát hiện ra âm mưu và bắn trúng đầu gối của kẻ ám sát. Lúc đó, ông Bush đang tập thể dục trong khu nghỉ dưỡng của gia đình tại Nhà Trắng. Pickett được điều trị tại một cơ sở tâm lý trong nhà tù khoảng hai năm sau khi xảy ra vụ việc.
Năm 2006, khi Tổng thống Bush và Tổng thống Gruzia Mikheil Saakashvili gặp gỡ tại Tbilisi, sát thủ Vladimir Arutyunian đã buộc chiếc khăn tay màu đỏ xung quanh quả lựu đạn và ném nó về phía hai vị tổng thống và các quan chức khác.
Tuy nhiên, lựu đạn không nổ. Arutyunian thoát khỏi đám đông và đã giết một điệp viên người Georgia. Sau đó, y bị bắt và nhận án tù chung thân vì tội mưu sát tổng thống.
12. Barack Obama
Tổng thống Barack Obama
Khi Barack Obama còn là ứng cử viên tổng thống năm 2008, hai nhà lập pháp da trắng Paul Schlesselman và Daniel Cowart đã nảy sinh ý đồ mưu hại 102 người đàn ông Mỹ gốc Phi. Hai kẻ này lập kế hoạch ám sát Tổng thống Obama nhưng bất thành khi bị cảnh sát phát hiện và ngăn chặn kịp thời.
Năm 2011, Oscar Ramiro Ortega-Hernandez bắn vào Nhà Trắng sau khi tuyên bố rằng ông Obama là người chống lại Chúa Kitô. May mắn thay, Tổng thống Obama khi đó không có mặt trong Nhà Trắng. Kẻ này sau đó lĩnh án 27 năm tù giam.
Tháng 4/2013, một lá thư của James Everett Dutschke gửi cho ông Obama được kiểm tra kỹ và nghi ngờ có chứa ricin, một độc tố có thể gây chết người. Sau đó, tên này bị kết án 25 năm tù giam.
Năm 2015, 3 người đàn ông gồm Abror Habibov, Abdurasul Juraboev, và Akhror Saidakhmetov, bị bắt sau khi âm mưu giết ông Obama và ném bom đảo Coney, hòng gia nhập tổ chức Nhà nước Hồi giáo IS tự xưng.
13. Donald Trump
Tổng thống Donald Trump
Tháng 6/2016, tại cuộc vận động tranh cử tổng thống của tỷ phú Donald Trump ở Las Vegas, Michael Steven Sandford đã tìm cách đoạt súng của cảnh sát.
Khi bị bắt giam, công dân Anh thừa nhận, anh ta muốn ám sát ứng cử viên tổng thống Trump. Khi nắm được lịch trình của ứng viên đảng Cộng hòa, Sandford đã lái xe từ nơi ở tại California đến thành phố Las Vegas nhằm thực hiện âm mưu. Trước đó, tên này từng tới một trường bắn để học cách dùng súng.
Do tiền sử bệnh tâm thần, Sandford bị giam giữ 11 tháng ở Mỹ và sau đó bị trục xuất về Anh.
Và tương tự, thông tin mới đây được cập nhật:
Mỹ: Nghi can gửi bom thư có thể nhận án chung thân
Ngày 9/11/2018, Bộ Tư pháp Mỹ cho biết nghi can Cesar Sayoc, đối tượng gửi các bưu kiện chứa chất nổ tới các chính khách và nhân vật có ảnh hưởng của đảng Dân chủ, đã bị cáo buộc 30 tội danh.
Đối tượng Cesar Sayoc - nghi can gửi các bưu kiện chứa chất nổ tới các chính khách đảng Dân chủ. Ảnh: AP/TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại Washington, thông cáo báo chí của Bộ Tư pháp Mỹ nêu rõ Sayoc, 56 tuổi, bị cáo buộc 30 tội danh sau khi đối tượng gửi 16 gói bưu kiện có chứa thiết bị nổ tới 13 địa chỉ là nhà riêng và văn phòng của các chính khách có uy tín đảng Dân chủ, ngay trước thềm cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ tại Mỹ ngày 6/11 vừa qua.
Các tội danh bao gồm sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt, gửi thư liên bang có chứa thiết bị nổ và sử dụng các thiết bị có khả năng gây hủy diệt trong các hành vi tội phạm bạo lực. Ban đầu, đối tượng này bị cáo buộc 5 tội danh. Với các tội danh này, Sayoc có thể phải nhận mức án cao nhất là tù chung thân.
Cesar Sayoc bị bắt giữ vào ngày 26/10 và được đưa đến New York để tòa án liên bang xét xử. Trong số các chính khách y gửi bưu kiện chứa thiết bị nổ có một số nhân vật có uy tín thường xuyên bị Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ trích như cựu Tổng thống Barack Obama, Phó Tổng thống Joe Biden hay cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton.
Theo các nguồn tin, các hình ảnh đăng trên tài khoản mạng xã hội từ năm 2016 cho thấy người này tham dự các sự kiện ủng hộ tỷ phú Trump. Theo hồ sơ cử tri của Florida, Sayoc là một người thuộc đảng Cộng hòa tại quận Miami-Dade và là một cử tri "tích cực". Đối tượng từng bị bắt vì hành vi trộm cắp, sở hữu trái phép chất steroid và từng bị cáo buộc đe dọa đánh bom hồi năm 2002.
Vụ bom thư xảy ra trước thềm cuộc bầu cử Quốc hội Mỹ giữa nhiệm kỳ. Đây là sự kiện quan trọng khi mà đảng Cộng hòa cố gắng bảo toàn lực lượng chiếm ưu thế tại hai viện của Quốc hội. Sau cuộc bầu cử, đảng Dân chủ đã giành quyền kiểm soát Hạ viên, trong khi đảng Cộng hòa của Tổng thống Trump vẫn chiếm ưu thế tại Thượng viện.
(Tổng hợp)
Nhận xét
Đăng nhận xét