DỰ ÁN METRO BẾN THÀNH - SUỐI TIÊN LÀM 10 NĂM CHƯA XONG NAY ĐỘI GIÁ THÊM 30000 TỶ NỮA
Vì sao nợ tiền đến nỗi Đại sứ Nhật phải viết thư cảnh báo?
Lãnh đạo Bộ KH&ĐT cho biết thẩm quyền xem xét tăng mức đầu tư dự án metro Bến Thành - Suối Tiên là của Quốc hội. Quốc hội chưa thông qua thì không thể xuất tiền cho dự án.
Tuần trước, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam, ông Umeda Kunio đã gửi thư tới Thủ tướng, Bí thư Thành ủy TP.HCM, lãnh đạo các bộ, ngành liên quan bày tỏ quan ngại về tiến độ triển khai, cấp vốn cho dự án tuyến metro số 1.
Ông cho biết hiện số tiền chậm thanh toán cho nhà thầu thi công và nhà thầu tư vấn tại dự án đã lên đến hơn 100 triệu USD (tính đến ngày 16/11).
Ông cho rằng áp lực lên các nhà thầu cũng đã đến mức giới hạn, đồng thời nêu quan ngại rằng nếu đến cuối tháng 12 mà các vấn đề này không được giải quyết, dự án sẽ buộc phải ngừng thi công.
Câu hỏi đặt ra là vì sao lại có sự chậm trễ như vậy. Trách nhiệm thuộc về cơ quan nào?
Chúng tôi trao đổi với một lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (đề nghị giấu tên) để làm rõ vấn đề này.
Đợi Quốc hội duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư
Theo vị này, tuyến đường sắt đô thị số 1 của TP.HCM Bến Thành - Suối Tiên ban đầu được phê duyệt tổng mức đầu tư 17.000 tỷ đồng. Trong 17.000 tỷ đồng có một phần vốn cấp phát từ trung ương và một phần TP.HCM phải vay lại. Toàn bộ số tiền cấp phát từ trung ương đã được Bộ KH&ĐT bố trí đủ hết và UBND TP.HCM cũng đã tiêu hết.
Số tiền mà TP.HCM vay lại thì phải tự cân đối trong ngân sách, sao cho thu xếp đủ 17.000 tỷ đồng thực hiện dự án.
Trung ương đã cấp phát đủ số tiền dự toán ban đầu của dự án án metro Bến Thành - Suối Tiên.
Trong quá trình thi công và do nhiều nguyên nhân khác nhau, dự án tăng tổng mức đầu tư lên 47.000 tỷ đồng (tăng 30.000 tỷ đồng, và gần 2,76 lần so với ban đầu). Trong trường hợp này, dự án phải được điều chỉnh theo nghị quyết 49/2010 của Quốc hội. Theo quy định, các dự án đang trong quá trình thực hiện mà điều chỉnh, làm phát sinh tiêu chí dự án quan trọng quốc gia thì phải báo cáo Quốc hội.
Do đó, nếu Chính phủ muốn tăng tổng mức đầu tư thì phải báo cáo xin ý kiến Quốc hội. Quốc hội đồng ý thì Chính phủ mới có thể cấp phát thêm tiền cho dự án.
“Đây là một việc hệ trọng, việc tăng tổng mức đầu tư rất lớn nên phải báo cáo Quốc hội theo đúng pháp luật. Nếu làm sai thì cơ quan thanh tra, kiểm toán sẽ phát hiện ra ngay, do vậy không thể làm được”, ông chia sẻ.
Ai được giao báo cáo Quốc hội?
Vị lãnh đạo này cũng khẳng định Bộ KH&ĐT chưa bao giờ được giao cho việc báo cáo Quốc hội về tăng tổng mức dự toán của tuyến metro số 1 từ 17.000 tỷ lên 47.000 tỷ đồng.
Theo ông, điều này ngay cả một số lãnh đạo tại TP.HCM cũng bị nhầm lẫn. Thực tế, về trách nhiệm báo cáo Quốc hội, Thủ tướng đã ủy quyền cho Bộ trưởng Giao thông Vận tải hoàn thành hồ sơ, xin ý kiến.
“Sau khi TP.HCM báo cáo, Bộ GTVT là những người có chuyên môn, có kỹ thuật thì họ phải thẩm tra báo cáo đó rồi mới trình Quốc hội”, vị này chia sẻ.
Bộ GTVT được Thủ tướng ủy quyền báo cáo xin ý kiến Quốc hội khi tăng mức đầu tư.
Ông cũng tiết lộ do tính chất của dự án rất quan trọng, số tiền điều chỉnh tăng thêm rất lớn, nên trước khi Bộ trưởng GTVT báo cáo xin ý kiến Quốc hội thì phải xin ý kiến Bộ Chính trị.
“Vừa qua tôi được biết Bí thư ban cán sự đảng Bộ GTVT đã chuẩn bị báo cáo vấn đề này gửi tới Bộ Chính trị. Khi Bộ Chính trị thông qua thì sẽ báo cáo xin ý kiến Quốc hội ở kỳ họp sớm nhất”, ông nói.
Vị này cũng nhấn mạnh Bộ KH&ĐT đóng vai trò cho ý kiến trong báo cáo của Bộ GTVT, đặc biệt là khả năng cân đối vốn. Nghĩa là Bộ KH&ĐT cho ý kiến về nội dung giả sử khi tăng vốn dự án metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên được cấp thẩm quyền thông qua thì nguồn vốn lấy ở đâu ra.
Đã chuẩn bị sẵn tiền cho dự án
Lãnh đạo Bộ KH&ĐT cũng thông tin tại kỳ họp thứ 6 vừa qua, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 71/2018/QH14 về điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, thực hiện phân bổ, giao kế hoạch vốn nước ngoài nguồn ngân sách trung ương cho các dự án của từng bộ, cơ quan trung ương và từng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo quy định của pháp luật.
Trong nghị quyết, Quốc hội đồng ý nâng từ 300.000 tỷ đồng vốn nước ngoài lên mức 360.000 tỷ đồngtrong giai đoạn 2016-2020. Con số 60.000 tỷ đồng tăng thêm là dùng cho một số dự án đội vốn trên cả nước, trong đó có có dự án metro Bến Thành - Suối Tiên.
“Chúng tôi đã phải tính toán nguồn vốn cho dự án này rồi. Khi trình Quốc hội điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn, nghĩa là chúng tôi đã chuẩn bị sẵn tiền cho dự án. Tôi khẳng định khi Quốc hội thông qua chủ trương, đồng ý tăng vốn dự án Bến Thành - Suối Tiên là có thể xuất tiền ngay. Có nghĩa là tiền đã có rồi. Chỉ đợi Quốc hội thông qua thôi”, ông chia sẻ.
Vị này cũng đánh giá thời gian vừa qua, UBND TP.HCM đã cố gắng nỗ lực rất nhiều, tạm ứng rất nhiều tiền để thanh toán cho nhà thầu.
Sơ đồ toàn tuyến đường sắt Bến Thành - Suối Tiên. Ảnh: Google Maps.
“Khi đến giai đoạn mà ngân sách TP.HCM không chịu được nữa thì họ phải dừng việc tạm ứng lại thôi. Chúng tôi cũng rất hy vọng kỳ họp Quốc hội gần nhất, thường vào tháng 5 năm sau sẽ thông qua việc này để có tiền tiếp tục triển khai dự án”, ông chia sẻ.
Theo báo cáo về vay vốn ODA của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), dự án đường sắt đô thị TPHCM, tuyến số 1 Bến Thành - Suối Tiên đã bị đội vốn từ 17.388 tỷ đồng khi phê duyệt lần đầu vào năm 2007 lên hơn 47.000 tỷ đồng.
Với tổng nhu cầu vốn trung hạn giai đoạn 2016-2020 của dự án là 28.000 tỷ đồng, dự án metro Bến Thành - Suối Tiên cần bổ sung thêm 20.500 tỷ đồng.
Dự án bắt đầu triển khai từ tháng 3/2007 và dự kiến hoàn thành đưa vào khai thác trong năm 2018. Thế nhưng, sau hơn 10 năm triển khai, metro Bến Thành - Suối Tiên mới hoàn thành 56% khối lượng thi công.
(Theo Zing)
Nhận xét
Đăng nhận xét